Theo thống kê, năm 2022 có hơn 213.000 người lao động (NLĐ) ở Việt Nam bị chủ doanh nghiệp vì nhiều nguyên nhân đã không đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT),… khiến họ mất quyền lợi khi nghỉ việc, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội.

no bao hiem xa hoi cong ty no bao hiem nguoi la dong
Người lao động khốn đốn khi nghỉ việc và không được hưởng các trợ cấp bảo hiểm đáng được hưởng. (Ảnh: tapchibaohiem.gov.vn)

Theo cập nhật của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi với tổng số tiền còn nợ hơn 4.000 tỷ đồng (cả gốc và lãi) của trên 213.300 NLĐ.

Anh Phạm Đức Hiểu (46 tuổi, quê Nghệ An) cho biết anh từng có 9 năm làm công nhân cho Xí nghiệp Cầu 18 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Cienco1). Vào năm 2019, công ty gặp khó khăn nên anh cùng nhiều người khác trong công ty bị sa thải. Sau khi nghỉ việc, anh Hiểu cùng nhiều người mới biết bị công ty nợ BHXH nhiều năm, Tiền Phong đưa tin.

Từ lúc nghỉ đến nay, anh Hiểu cùng nhiều NLĐ đã không được hưởng các chế độ đáng ra được hưởng như: trợ cấp thất nghiệp, thai sản, lương hưu, y tế, v.v… do doanh nghiệp nợ BHXH chưa được giải quyết.

Thậm chí, nhiều người muốn bỏ tiền túi nộp phần BHXH công ty còn nợ hoặc chốt sổ tới thời điểm công ty đã đóng cũng không được.

Chị Dương từng là công nhân Nhà máy Dệt 19/5 Hà Nội (khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam) 16 năm. Lương tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, chị vẫn chấp nhận mỗi ngày đi về gần 20 km vì không phải thuê trọ. Nhưng từ năm 2019, tiền lương bị chậm dù đơn hàng về đều. Khoản lương trích đóng BHXH hàng tháng vẫn bị trừ, song hệ thống chỉ ghi nhận chị đóng đến hết tháng 2/2019, theo Vnexpress.

Cuối năm 2022, chị bị sa thải, xoay sang bán xôi thuê, phụ hồ, nhặt cỏ, ai thuê gì làm nấy miễn là có tiền đóng học cho 3 người con. Bị nợ 8 tháng lương và 4 năm BHXH, không thể xin vào công ty mới, chị Thùy Dương đành làm thời vụ, nhận tiền công 200.000 đồng mỗi ngày.

Trong các đơn vị nợ BHXH kéo dài, có cả các doanh nghiệp thành viên của Vinashin, Vinalines được cấp thẩm quyền cho phép khoanh nợ từ năm 2012-2017. Tới hết tháng 8/2021, các đơn vị của Vinashin, Vinalines vẫn chưa trả được tổng số nợ BHXH hơn 368 tỷ đồng (nợ gốc hơn 164 tỷ đồng, nợ lãi chậm nộp hơn 205 tỷ đồng).

Tại TP.HCM, hôm 20/2, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết tính đến ngày 31/1/2023, số nợ BHXH bắt buộc là hơn 4.870 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,5% so với số phải thu BHXH bắt buộc. Sau khi trừ nợ dưới 1 tháng là 337 tỷ đồng và nợ khó thu là hơn 580 tỷ đồng thì số tiền nợ còn lại là hơn 3.950 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,13% so với số phải thu BHXH bắt buộc.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, hiện có tới gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến thời điểm ngày 30/1.

Có nhiều doanh nghiệp, đơn vị nợ, chậm đóng bảo hiểm đến 182 tháng, với số tiền chậm đóng bảo hiểm là hơn 1.500 tỷ đồng.

Ở tỉnh Bình Dương, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho phép giải quyết chế độ lương hưu với người lao động có thời gian thực đóng BHXH từ 20 năm trở lên (không gồm thời gian đang nợ).

Trường hợp NLĐ có phần đã đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên (không gồm phần còn nợ), cho phép đóng BHXH tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Khi có phương án giải quyết số tiền còn nợ BHXH, sẽ tính bù thời gian tham gia BHXH cho người lao động và điều chỉnh mức lương hưu.

Đức Minh