Lao động nước ngoài tại Việt Nam đa phần đến từ Trung Quốc với 25.100 người, chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

lao dong trung quoc
Lao động Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số lao động nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: CNN)

Đó là thông tin vừa được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết tại kết quả giám sát chuyên đề người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013 – 2017, theo Việt Nam Net.

Theo đó, tính đến năm 2017, cả nước có hơn 81.000 lao động nước ngoài đến làm việc chủ yếu tại các vị trí chuyên gia, nhà quản lý và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Trong đó, có khoảng gần 70.000 người được cấp phép lao động, số lao động đang làm thủ tục để được cấp phép là hơn 5.000 người; và có khoảng 6.400 lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Số liệu của Ủy ban không đề cập đến lượng lao động nước ngoài làm “chui” ở Việt Nam, song cơ quan này cũng kiến nghị chính phủ có biện pháp chủ động hạn chế người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng visa du lịch và ở lại làm việc bất hợp pháp.

Theo báo cáo, số lao động nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn 2013 – 2015, nhưng chậm lại trong hai năm gần đây. Các lao động đến từ khoảng 110 quốc gia, trong đó đa phần là từ Trung Quốc.

Cụ thể, số lao động Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam là trên 25.100 người, chiếm hơn 1/3 tổng lao động nước ngoài trên cả nước. Nếu tính luôn con số gần 10.500 lao động đến từ Đài Loan, thì số lao động Trung Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 35.600 người.

Đứng thứ hai là lao động đến từ Hàn Quốc với trên 14.800 người; Nhật Bản là hơn 7.700 người; lao động đến từ các quốc gia khác chiếm khoảng 28,4%.

lao dong nuoc ngoai

Theo đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội, sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam mang lại những tác động tích cực như bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra một số bất cập của lao động nước ngoài tại Việt Nam. Chẳng hạn, hầu hết lao động qua Việt Nam làm việc rồi sau đó mới làm thủ tục cấp giấy phép lao động; nhiều trường hợp nhập cảnh theo thị thực “doanh nghiệp” không cần khai thủ tục gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đáng chú ý, theo Ủy ban này, tình trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực. Tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người nước ngoài vào làm việc bất hợp pháp có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi các địa phương vẫn chưa chủ động rà soát và quản lý kịp thời.

Ở chiều hướng ngược lại, trong giai đoạn 2010 – 2017, Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết có khoảng hơn 820.000 lao động Việt Nam đã được gửi đi làm việc tại các nước. Bình quân, trong vòng 3 năm trở lại, mỗi năm số lao động Việt Nam gửi đi làm tại nước ngoài đạt hơn 100.000 người/năm.

Trong đó, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc là cao nhất với bình quân khoảng 1.000 – 1.200 USD/tháng; kế đến là Đài Loan với 700 – 800 USD/tháng; trong khi tại thị trường Trung Đông chỉ có 400 – 600 USD/tháng.

Trái với lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam chủ yếu là từ cấp bậc quản lý trở lên, lao động Việt Nam đi xuất khẩu nước ngoài phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chiếm từ 60 – 70% tổng số lao động đi xuất khẩu.

Tú Mỹ

Xem thêm: