IPO hay ‘game’ của kẻ đốt tiền?

Năm 2019, Uber dự kiến sẽ chào cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), kết thúc giai đoạn chỉ sống dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặc dù mô hình kinh doanh này chưa giải được bài toán lợi nhuận sẽ đến từ đâu, nhưng sự kiện IPO của Uber hứa hẹn sẽ tập trung sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

Uber báo lo

Theo Bloomberg, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đặt xe của Uber trong quý 3.2018 đã giảm đáng kể, chỉ đạt mức 38%, bằng nửa so tốc độ tăng trưởng doanh thu của 6 tháng đầu năm. Tăng trưởng giảm nhưng lỗ quý 3 của Uber vẫn xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng 20% so với quý trước đó. Thực tế, khoản lỗ trên đã giảm đáng kể từ khi Uber bán thị trường Đông Nam Á cho Grab và liên doanh với Yandex N.V ở thị trường Nga.

Sử dụng tiền của các quỹ đầu tư, chạy lỗ, mở rộng thị trường và mua người dùng là phương thức Uber cũng như các nền tảng công nghệ tương tự thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Kể từ khi thành lập năm 2009, Uber liên tục báo lỗ và phải sống dựa vào nguồn tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm 2014, Uber có doanh thu $495.3  triệu USD, nhưng lỗ 671 triệu USD. Năm 2015, doanh thu Uber đạt 1,5 tỷ USD. Năm 2016, Uber báo lỗ 2,8 tỷ USD. Năm 2017, tiếp tục báo lỗ 4,5 tỷ USD. Trong ba quý đầu năm 2018, dù đã sang nhượng thị trường Đông Nam Á cho Grab, Uber cũng vẫn trong trạng thái lỗ hơn 2,5 tỷ USD.

IPO Uber

Điều đáng nói là cho tới thời điểm cận kề IPO, Uber cũng chưa chứng minh được công thức kiếm lợi từ đâu. Mảng dịch vụ cốt lõi là đặt xe của Uber chắc chắn chưa có lời, các dịch vụ gia tăng khác cũng chỉ giúp hãng này cải thiện biên lợi nhuận chứ chưa có minh chứng nào về việc có lợi nhuận. Mới đây Uber cũng tiết lộ đôi chút về mảng giao đồ ăn, theo đó, Uber Eats đã đạt doanh thu 2,1 tỷ USD. Sự phát triển của Uber Eats hứa hẹn tin tốt lành cho thương vụ IPO năm nay bởi lẽ siêu ứng dụng có tiềm năng phát triển những dịch vụ tương tự như cho thuê xe máy, logistics và xe tự lái. Thế nhưng đây vẫn chỉ là tiềm năng thị trường chứ chưa có dấu hiệu nào về lợi nhuận tự thân của nền tảng công nghệ.

Trong khi đó, ở thời điểm có cùng doanh thu với Uber (tức xấp xỉ 3 tỷ USD/quý), năm 2005, Amazon đã kiếm lời 199 triệu USD và giá trị định giá khi phát hành cổ phiếu lần đầu chỉ bằng ¼ giá trị Uber tự định giá bản thân mình trong hồ sơ IPO.

UBER IPO

Dù các mảng kinh doanh đều đang lỗ, nhưng Uber vẫn xúc tiến đẩy nhanh tiến độ IPO trong năm nay. Tại Mỹ, áp lực IPO của Uber còn tới từ đối thủ cạnh tranh Lyft khi doanh nghiệp tư nhân này dự kiến cũng IPO vào nửa đầu năm 2019. Đương nhiên, trong cùng một lĩnh vực thì doanh nghiệp nào lên trước sẽ chiếm lợi thế bởi lẽ các nhà đầu tư thường chỉ bỏ vốn vào một trong hai đối thủ cạnh tranh. Còn tại các thị trường khác, mô hình như Uber xuất hiện ngày càng nhiều như Yandex tại Nga, Ola tại Ấn độ, Go Jek tại Indonesia,…. khiến Uber mất đi tính hấp dẫn của sự độc tôn công nghệ và luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Một áp lực khác là dường như chính phủ các nước đã bắt đầu nhận ra bản chất của mô hình kinh tế “mệnh danh” chia sẻ của Uber và đã có những điều chỉnh về mặt pháp lý đối với hoạt động của Uber và tương tự Uber. Cuối năm 2017, Toà công lý Châu Âu đã ra phán quyết Uber là công ty vận tải chứ không phải là công ty công nghệ đơn thuần. Còn mới đây, Toà án công bằng lao động Anh một lần nữa khẳng định 2 tài xế Uber đã thắng kiện và buộc hãng này phải bảo đảm mức lương tối thiểu cũng như các chế độ phúc lợi khác cho các tài xế đối tác của mình. Nếu các phán quyết của toà án được thực thi thì mô hình nền tảng công nghệ Uber sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí để đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách cũng như phải chi trả nhiều chi phí cho người lao động, người tiêu dùng. Đồng nghĩa với việc lợi thế về chi phí từ chính sách của Uber sẽ không còn nữa và các khoản lỗ của hãng này có khả năng trầm trọng hơn trong những năm kế tiếp. Do đó, bản báo cáo tài chính năm 2018 dù chưa đẹp nhưng có lẽ sẽ khả dĩ nhất cho những năm về sau.

DAU TU MAO HIEM

Start up Uber là điển hình thành công trong việc thu hút vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Với 22 vòng gọi vốn, 96 nhà đầu tư đã có hơn 24 tỷ USD thu hút vào nền tảng công nghệ này. Đáng phải kể tới những tên tuổi đình đám như Baidu, Softbank, Didi, Toyota, Quỹ đầu tư Arab Xeut…. Hiện nay, Uber đang hoàn thiện kế hoạch IPO trong năm 2019 và định giá ở mức 120 tỷ USD.

Trong số các nhà đầu tư vào Uber thời kỳ đầu, có nhiều nhà đầu tư đã thoái vốn một phần, nhưng cũng vẫn có những nhà đầu tư tiếp tục bỏ số tiền khổng lồ để tiếp tục giúp Uber chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, các vòng gọi vốn sau ngày càng thu hút vốn lớn hơn vòng gọi vốn trước. Các hợp đồng hợp tác kèm theo thoả thuận gọi vốn được giữ kín.

IPO UBER 2

Nhiều người cho rằng các cuộc gọi vốn của Uber và các nền tảng công nghệ tương tự mang tính đánh bóng thương hiệu mạnh mẽ. Việc tiếp tục rót tiền vào doanh nghiệp lỗ không có điểm dừng thực chất là cuộc chơi của những kẻ đốt tiền – là trò chơi dành cho các nhà đầu tư không trông mong gì vào cổ tức mà chủ đích kiếm siêu lợi nhuận dựa vào sự tăng giá phi mã của cổ phiếu sau IPO. Ví như, giá cổ phiếu Facebook đã lập tức tăng 3 lần ngay sau ngày IPO đầu tiên. Cổ phiếu Facebook cũng không ngừng tăng trưởng trong 7 năm liên tiếp. Còn giá cổ phiếu của Google cũng tăng gấp 5 lần sau IPO là liên tục tăng trưởng trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, trên đây là những cổ phiếu đều đã báo lãi ngay khi phát hành lần đầu.

Còn đối với Uber – một tập đoàn công nghệ còn đang lỗ thì câu chuyện huy động vốn có lẽ sẽ đi theo hướng khác. Sự đồn thổi về Uber – một phong cách tiêu dùng mới sẽ thu hút nhiều người bỏ tiền vào nền tảng công nghệ này. Các nhà đầu tư tin rằng mình đang góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn, khẳng định sự hiện diện của mình trong cuộc cách mạng 4.0 – vốn đang được đẩy lên quá tầm. Nhiều khả năng Uber cũng sẽ học tập Bitcoin cách thức len lỏi vào danh mục đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua.

CON SOT BITCOIN

Làn sóng Bitcoin đã từng làm sôi sục giới đầu tư trên toàn cầu có thể phác thảo một chu trình gọi vốn xuất sắc của giới công nghệ.

Ngày 5/10/2009, lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch. Khởi điểm 1 bitcoin chỉ có giá 0,00076 USD, tương đương với chi phí tiền điện hao tổn của một chiếc máy tính khi đào ra một Bitcoin. Sau năm 2010, mặc dù nhà sáng lập ra Bitcoin là Satoshi Nakamoto (người Nhật) rút lui ẩn danh thì trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều nỗ lực khiến đồng tiền mã hoá này trở nên phổ biến. Ví như các nỗ lực đưa Bitcoin được chấp nhận tại nhiều điểm bán hàng, các siêu thị online, các ngân hàng và tổ chức tài chính, …. Rõ ràng đây không phải hoạt động tự phát, nó được tổ chức bài bản, ẩn nấp dưới danh nghĩa “nỗ lực cộng đồng”.

Ngoài ra, cơ chế phân chia lợi tức của Bitcoin khiến ai tham gia, nắm giữ đều được hưởng lợi khiến danh tiếng của Bitcoin ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, một điểm chung với Uber, người ta cũng không chứng minh được giá trị của Bitcoin được đặt trên cơ sở nào.

Năm 2017 là năm phát triển cực thịnh của Bitcoin. Chỉ trong một năm giá Bitcoin được đẩy lên gần 20 lần, đạt đỉnh điểm ngày 11/12/2017 ở mức 17. 060 USD/bitcoin, gấp 22,4 triệu lần mệnh giá đầu tiên. Nhưng ngay sau đó, Bitcoin lao dốc không phanh. Giá Bitcoin ngày 3/1/2018 hiện được giao dịch tại 3.910 USD/BTC, chỉ bằng 22,9% mức giá đỉnh điểm. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin là 64,42 tỉ USD và số đồng tiền cung ứng là 17,46 triệu Bitcoin, vẫn thấp hơn mức giới hạn 21 triệu Bitcoin của hệ thống tiền ảo này. Những nhà đầu tư Bitcoin thời kỳ đầu giờ đã thu hồi đủ vốn và có lãi. Bitcoin giờ không chỉ nằm trong túi của các nhà đầu tư tổ chức mà len lỏi tới từng cá nhân, phân tải rủi ro cho rất nhiều nhà đầu tư cá thể.

grap uber bitcoin

Quay trở lại câu chuyện của Uber, có nhiều điểm gợi nhớ đến Bitcoin trong phương thức huy động vốn từ công chúng. Mô hình sản sinh lợi nhuận không rõ ràng, lợi thế của nền tảng công nghệ nơi tập trung rất nhiều người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ. Nếu IPO, nếu chỉ trông vào lợi tức từ hoạt động kinh doanh thì các nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền vào.

Nhưng chắc chắn, các tập đoàn công nghệ sẽ có những chiêu thức riêng của mình để đẩy giá cổ phiếu lên cao, tạo sự tập trung chú ý của thị trường toàn cầu. Với lợi thế của siêu ứng dụng có hàng trăm triệu người sử dụng, việc huy động vốn từ chính những người dùng trở nên vô cùng dễ dàng. Đặc biệt ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng các chính sách thưởng, hỗ trợ tài xế, mô hình kinh doanh Uber, Grab thu hút tới 70 ngàn phương tiện tham gia, trong đó phần lớn là xe đầu tư mới, tương đương tới hơn 1 tỷ USD từ trong dân. Nếu đợt IPO của Uber cũng tạo ra những khoản lợi trước mắt cao thì không loại trừ khả năng một làn sóng đầu tư mới vào Uber cũng sẽ xuất hiện. Thông qua làn sóng đầu tư mới, Uber lại có tiền nuôi các mảng dịch vụ lỗ của mình để phát triển danh tiếng, tiếp tục thu hút đầu tư. Đây có thể là chu trình thu hút vốn hoàn hảo mà Uber dự tính.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro khi đầu tư vào một công ty lỗ triền miên. Trong thị trường vẫn liên tục xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới và sự phản biện trên toàn xã hội có thể khiến kế hoạch IPO của các gã khổng lồ công nghệ đổ bể. Khi ấy hiệu ứng đổ vỡ lan truyền xảy ra trong thị trường xe công nghệ hay không cũng còn là câu hỏi phía trước.

Nguyên Hương

Xem thêm:

Bình Luận