Các nhà phân tích của JP Morgan Chase cho biết trong bối cảnh giá xăng cao kỷ lục, giá một thùng dầu có thể tăng hơn gấp 3 lần nếu Nga quyết định cắt giảm sản lượng. 

Embed from Getty Images

Theo Bloomberg News, phân tích của JP Morgan cho thấy giá một thùng dầu hiện tại rơi vào khoảng 110 USD, tuy nhiên con số này có thể tăng lên mức 380 USD mỗi thùng nếu Nga tiến hành cắt giảm sản lượng.

“Nhiều khả năng chính phủ [Nga] có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng như một biện pháp gây thiệt hại cho phương Tây”. Các nhà phân tích viết về trường hợp xấu nhất: “Việc thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu đang nằm ở phía Nga”.

Nhà phân tích Natasha Kaneva của JP Morgan cho rằng việc Nga cắt giảm sản lượng 3 triệu thùng/ngày sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên 190 USD/thùng. Và trong tình huống xấu nhất nếu Moscow cắt giảm 5 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu có thể bị đẩy lên 380 USD. 

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, các quốc gia phương Tây đã giáng đòn trừng phạt vào nước này. Tuy nhiên, Nga cũng là nơi cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Trong bối cảnh cuộc xâm lược, Hoa Kỳ đã chặn tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu của Nga kể từ tháng Ba.

Các nhà phân tích của JP Morgan lưu ý rằng nếu phương Tây tiếp tục nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, Điện Kremlin có thể không ‘chơi’ cùng.

Theo Bloomberg, “Rủi ro có khả năng xảy ra và rõ ràng nhất là Nga có thể chọn không tham gia vào giới hạn giá [dầu] và thay vào đó trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu.”

Dữ liệu từ AAA cho thấy mức giá trung bình trên toàn nước Mỹ cho 1 gallon xăng hiện đang dao động quanh mức 4,81 USD (khoảng 30.000 VND/lít) vào ngày 3/7, giảm nhẹ khoảng 10 cent so với tuần trước.

Phản ứng của phía Mỹ khi giá xăng tăng

Tuần trước, khi được hỏi về việc người Mỹ sẽ phải trả giá xăng cao trong bao lâu, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng giá xăng sẽ tiếp tục tăng chừng nào xung đột chưa được giải quyết.

“Miễn là Nga không thể thực sự đánh bại Ukraine và tiến ra ngoài Ukraine”, ông Biden trả lời với các phóng viên vào ngày 30/6. “Đây là một vị trí quan trọng, then chốt đối với thế giới. Chúng ta ở đây. Tại sao chúng ta có NATO? Tôi đã nói với ông Putin rằng trên thực tế, nếu ông ấy định tiến tới, chúng tôi sẽ tăng cường sức mạnh cho NATO. Chúng tôi sẽ tiến tới củng cố NATO trên toàn diện.”

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese nhận định rằng người Mỹ nên trả mức giá cao vì đó là “tương lai của trật tự thế giới tự do, và chúng ta phải giữ vững lập trường”.

Ông Biden cũng cố gắng đẩy trách nhiệm cho các trạm xăng về vấn đề giá tăng cao. Ông viết trên Twitter: “Thông điệp của tôi gửi đến các công ty điều hành trạm xăng và định giá tại các trạm bơm rất đơn giản: đây là thời kỳ của chiến tranh và các hiểm họa toàn cầu. Hãy hạ mức giá các vị đang tính tại trạm bơm cho phù hợp với mức chi phí mà các vị trả đối với sản phẩm. Và hãy làm điều đó ngay bây giờ.”

Ông Biden không đưa ra bất kỳ ví dụ nào về cách các trạm xăng có thể “hạ giá”. Cũng không rõ liệu ông có viết thư cho từng chủ trạm xăng, các công ty hay cá nhân sở hữu nhiều cơ sở nhượng quyền thương mại hay không.

Một ngày sau đó, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã bảo vệ bài đăng trên Twitter của ông Biden trong một cuộc phỏng vấn sáng ngày 3/7 với Fox News.

“Nếu mọi người hợp tác trong việc này, chúng ta có thể giảm giá ít nhất khoảng 1 USD/gallon (khoảng 6.000 VND/lít), vì vậy ông ấy (ông Biden) đang làm việc rất, rất chăm chỉ vì ông biết tác động của giá xăng cao đối với người Mỹ và các hộ gia đình.”