Khi cát bụi lắng dần sau vụ nổ gây sốc hàng đầu trong lịch sử tài chính, câu hỏi đặt ra là khách hàng, những người đã tin tưởng vào sàn giao dịch tiền số FTX, có thể nhận được bao nhiêu sau khi FTX trình đơn phá sản tuần trước.

shutterstock 2064997196
(Nguồn: Sergei Elagin/ Shutterstock)

Được con số không, rất có thể là vậy, theo một số chuyên gia luật pháp nhận định.

Trước đó, FTX vẫn tự quảng cáo mình là điểm đến an toàn cho người mới tham gia lĩnh vực tiền số. Nhưng một cuộc khủng hoảng thanh khoản vào tuần trước đã buộc FTX phải tạm dừng việc rút tiền, khiến khách hàng và nhà đầu tư rơi vào trạng thái lấp lửng.

Theo báo cáo của Wall Street Journal, FTX đã dùng tiền của khách hàng để hỗ trợ hoạt động giao dịch rủi ro cao của một quỹ phòng hộ, cũng là chị em của FTX, mà không đủ thủ tục xin phép.

Thứ Sáu tuần trước, FTX và quỹ phòng hộ, Alameda Research, đã trình đơn phá sản.

Các công tố viên liên bang ở New York hiện đang điều tra vụ sụp đổ của sàn giao dịch. Và các nhà chức trách ở Bahamas, nơi đặt trụ sở của FTX, đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với công ty này vào cuối tuần qua.

Chịu trách nhiệm pháp lý và là nhà sáng lập FTX, ông Sam Bankman-Fried, chưa rõ còn lại gì. Nhưng khi sàn giao dịch mà từng được định giá hơn 30 tỷ USD này sụp đổ, thì càng ngày càng có vẻ như những khách hàng đã giao tiền cho FTX có thể sẽ bị bỏ mặc.

Ông Howard Fischer, một đối tác tại công ty luật Moses Singer và là cựu luật sư của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cho biết: “Chúng tôi không biết mức độ ảnh hưởng… Nhóm nạn nhân đầu tiên là những người có tài sản được giữ trong FTX… Họ có thể sẽ không được bồi thường toàn bộ, hoặc chỉ được rất ít”.

Có một số nguyên nhân.

Thông thường thì khi một ngân hàng của Mỹ bị sập, chính phủ sẽ trả bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng, với tổng số có thể lên tới 250.000 đô la. Nhưng vấn đề là không có cơ chế bảo hiểm cho người gửi tiền trong giới tiền số mà hiện hầu như nằm ngoài kiểm soát.

Theo lý thuyết, khách hàng của FTX sẽ được chia một phần tài sản còn lại của công ty sau khi quá trình phá sản kết thúc. Nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ sẽ còn lại bao nhiêu tiền có thể được giải ngân.

Ông Eric Snyder, người đứng đầu bộ phận phá sản của công ty luật Wilk Auslander cho biết: “Theo tôi biết, họ còn hai tài sản: giá trị thiện chí của sàn giao dịch và giá trị của đồng FTT của họ”. Giá trị thiện chí là nói đến các tài sản vô hình như danh tiếng của thương hiệu và tài sản trí tuệ. Còn đồng FTT coin, là tiền số do FTX phát hành, đã mất hơn 90% giá trị trong tuần qua.

Trong trường hợp phá sản, ông Snyder giải thích, có một công thức khá đơn giản để tính xem các chủ nợ, trong trường hợp này là những người gửi tiền vào FTX, sẽ nhận được bao nhiêu.

“Tử số là tài sản, mẫu số là con nợ cần trả. Bạn chia cái này cho cái kia, và [kết quả] là số mà người ta nhận được”, ông nói. “Nhưng nếu mọi người đang rút hết tài sản, thì sẽ không có nhiều tử số”.

Ông nói thêm: “Rất có thể phần thu được về sẽ cực nhỏ”.

Tất nhiên, FTX sập quá đột ngột khiến khó mà có thể đánh giá sớm những con số này, các luật sư cho biết.

Thông thường, công ty lẽ ra sẽ có nhiều tuần chuẩn bị hồ sơ phá sản trước khi công bố, mà một phần trong hồ sơ sẽ giải thích tại sao công ty tìm đến bảo vệ theo Chương 11 của bộ luật, và mục tiêu cần đạt tới của mình tại tòa án phá sản.

Ông Dan Besikof, một đối tác tại Loeb & Loeb chuyên gia về phá sản, nói rằng giờ vẫn còn quá sớm để nói liệu khách hàng có lấy lại được tiền hay không.

“Tất cả những gì bạn thực sự có thể làm là đoán từ các tweet xem mọi thứ đang ở đâu”, ông nói. “Và khách hàng lấy lại tiền như thế nào thì phụ thuộc vào rất nhiều điều khác nhau, bao gồm cả việc họ giữ tiền thông qua tổ chức nào, và số lượng tiền còn lại”.

FTX sụp đổ đã làm đảo loạn toàn bộ thị trường tiền số, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tương lai của tài sản kỹ thuật số, và việc thiếu quy định toàn cầu.

Thứ Hai (14/11) vừa qua, Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của Binance, đối thủ cạnh tranh của FTX, đã tìm cách trấn an khán giả của mình khi nói về tính hợp pháp của lĩnh vực này.

“Có thể nhận rõ là mọi người đang lo lắng”, ông Zhao, thường được biết đến với cái tên CZ, cho biết trong một phiên hỏi đáp trên Twitter. “Tôi muốn nói rằng về ngắn hạn, vụ việc này thật đau đớn. Nhưng tôi nghĩ, kỳ thực nó tốt cho công nghiệp tiền số về dài hạn”.

“Người ta trách tôi rằng thổi còi hay đâm thọc… thì tôi xin lỗi… tôi xin lỗi vì những xáo động. Nhưng suy nghĩ kỹ, khi một vấn đề xảy ra, thì việc phát hiện ra nó càng sớm là càng tốt.”

Thiên Đức biên dịch, theo CNN