Kiệt sức với hai năm chiến tranh thương mại, lo ngại bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch virus corona cũng như nguy cơ sụp đổ quan hệ Mỹ – Trung, đại đa số người mua Mỹ đang tìm cách rời bỏ các nhà cung ứng Trung Quốc, theo một nghiên cứu mới đây của Qima.

tàu chở hàng
Với sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lên kế hoạch rút khỏi Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Một cuộc thăm dò ý kiến 200 công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu do các chuyên gia của Qima thực hiện hồi tháng Sáu cho thấy 95% người trả lời tại Mỹ đã lập kế hoạch tìm nhà thầu cung ứng bên ngoài Trung Quốc do các nguy cơ tiềm ẩn trong nhiều vấn đề ở thời hiện tại, theo SCMP.

Cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu của các công ty lớn ở Mỹ đối với hàng hoá không sản xuất tại Trung Quốc khi quan hệ giữa hai siêu cường đang tiến triển từ ‘xấu’ sang ‘xấu hơn.’

Xu hướng này không mới vì các công ty đã tìm kiếm những phương án thay thế có chi phí thấp bên ngoài Trung Quốc trong nhiều năm. Khi thuế quan bị tác động mạnh vào tháng 7 năm 2018, nhiều công ty đã sẵn sàng cuộc di cư của mình. 

“Chúng tôi đang giúp khách hàng, chủ yếu là các công ty Mỹ tiếp tục tìm kiếm trong hai năm qua. [Những căng thẳng hiện tại và virus corona] chắc chắn đã làm gia tăng xu hướng đó,” ông Simon Archer Perkins, Giám đốc điều hành tại ET2C International cho biết. 

Một khảo sát tương tự cũng phát hiện rằng gần một nửa số người hồi đáp từ Liên minh châu Âu cũng đã có kế hoạch lập tức chuyển đổi nguồn cung của họ, cho thấy điểm then chốt của vấn đề nằm ở cạnh tranh Mỹ – Trung.

Khảo sát của Qima ăn khớp với các báo cáo khác cho rằng các doanh nghiệp đã trở nên mệt mỏi vì các loại thuế và sự gián đoạn hoạt động của họ.

Phòng thương mại Mỹ ở Thượng Hải phát hiện trong tháng Năm rằng 74,9% thành viên nói việc tăng các sắc thuế của cả hai bên đã tác động tiêu cực tới việc kinh doanh của họ. 

Trong khi đó, hơn 40% đã và đang cân nhắc việc chuyển các cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.

Một số khảo sát thăm dò của Pew tiến hành trong tháng Ba phát hiện rẳng 66% người Mỹ có cái nhìn không thiện chí về Trung Quốc, tăng từ 47% của năm 2017.

Tập đoàn Foxconn đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy iPhone ở Ấn Độ

Tuy nhiên, khi phần lớn thế giới vẫn còn trong tình trạng cách ly và rất ít thị trường có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả hoặc chất lượng, các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc chuyển đổi này “không dễ như bật một cái công tắc.”

Ông Julien Brun, đối tác quản lý cơ sở tại TP HCM của công ty tư vấn CEL cho biết các công ty lớn như Apple, Samsung và Nintendo đã thúc đẩy chuyển năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ sau sự ngưng trệ do đại dịch.

Dầu vậy, ông cảnh báo rằng những động thái như vậy là thách thức lớn với các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là thời điểm hiện tại.

Một thực tế đang diễn ra là các cơ sở công nghiệp Trung Quốc đã hồi phục sau đại dịch, trong khi nhiều thị trường thay thế còn đang vật lộn để ngăn chặn dịch bùng phát và hoạt động trở lại.

Ông Hans Till, một nhà tư vấn tìm nguồn cung ở Hồng Kông, xác nhận rằng ông nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các công ty Mỹ để tìm phương cách thay thế cho Trung Quốc gần đây, nhưng cảnh báo rằng nó “không  đơn giản như bật một cái công tắc.”

“Không có nhiều công ty thực sự có tầm nhìn để thấy rằng cần thực hiện việc này trong dài hơi, chứ không thể làm nó qua đêm,” ông Till nói. “Điều này khả thi, nhưng không phải từ ngày hôm trước đến hôm sau. Ngày nay, mọi thứ đều lẫn lộn, người ta không chắc chắn được điều gì về chuỗi cung ứng, nhưng rất ít người có một chiến lược.”

Ông Alan Scanlan, người sáng lập Công ty chuyên tìm nguồn cung ứng Newland có cơ sở ở Hồng Kông, nói rằng để đổi nhà thầu cung ứng mất rất nhiều thời gian, “bạn cần tìm một nhà máy và sau đó là các mẫu mã… đó là một quá trình phức tạp có thể mất từ 6 đến 12 tháng.” 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược với khảo sát trên. Một số chuyên gia sản xuất và nguồn hàng bày tỏ ngạc nhiên về quy mô các công ty Mỹ tìm cách tăng thêm chủng loại hàng hoá ngoài Trung Quốc.

Ông Fablen Gaussonrgues, giám đốc điều hành tại công ty cung ứng tim nguồn và chuỗi cung ứng Sofest tại Thâm Quyến, nói ông đã nhận được vô số yêu cầu từ các khách hàng Mỹ tìm cách phát triển các sản phẩm mới ở Trung Quốc.

“Bất kể ông Trump nói gì, nếu nhiều công ty nhỏ không có nguồn ngân sách khổng lồ muốn sản xuất sản phẩm mới, họ sẽ hướng tới Trung Quốc,” ông Fablen khẳng định.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: