Thực chất tăng trưởng GDP của Việt Nam là đang làm thuê cho các doanh nghiệp FDI như Formosa và Samsung. Và số tăng trưởng GDP ấy sẽ được các doanh nghiệp này chuyển ngược về đất nước của họ, Việt Nam không được hưởng lợi gì nhiều trong khi những đánh đổi về tài nguyên, nhân lực lại quá lớn.

Formosa
Nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: Kingtai)

Tăng trưởng đến từ Formosa, Samsung

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa phát đi thông báo sớm về con số tăng trưởng GDP quý 1/2018 đạt 7,38% và nhấn mạnh đây là mức tăng trưởng quý 1 cao nhất trong vòng 10 năm trở lại. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng như công bố, chắc hẳn là Chính phủ đã phải đánh đổi một số yếu tố về mặt vĩ mô.

Bên cạnh đó, thực chất đằng sau con số tăng trưởng là một khía cạnh đang bị giới lãnh đạo bỏ quên. Đặc biệt trong tình huống tăng trưởng của Việt Nam rất không bền vững khi dựa chủ yếu vào những yếu tố ngắn hạn như đầu tư nước ngoài (FDI) và khai khoáng.

Số liệu từ TCTK cho thấy mức tăng trưởng đột biến trong quý 1/2018 (7,38%) chủ yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến và chế tạo (tăng trưởng 13,6%, đóng góp 2,5 điểm vào GDP), trong đó Samsung và Fomosa giữ vai trò chính; ngành sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt tăng trưởng 10,5%; ngoài ra, ngành khai khoáng tăng trưởng dương (0,4%) sau 2 năm liên tục giảm cũng là một nhân tố góp phần tạo ra tăng trưởng cao trong quý 1 năm nay.

Do đó, có thể thấy thực chất tăng trưởng GDP của Việt Nam là đang làm thuê cho các doanh nghiệp FDI như Formosa và Samsung. Và số tăng trưởng GDP ấy sẽ được các doanh nghiệp này chuyển ngược về đất nước của họ, Việt Nam không được hưởng lợi gì ngoài công ăn việc làm cho một số công nhân. Nhưng cái giá phải đổi lại là ưu đãi cho thuê đất rẻ, giá nhân công thấp, miễn thuế thu nhập, ô nhiễm môi trường, rác thải công nghiệp gia tăng.

Bơm 7 đồng để đổi lấy 1 đồng tăng trưởng

Embed from Getty Images

Theo chuyên gia của Morgan Stanley, một vấn đề nữa đối với tăng trưởng của Việt Nam là để tạo ra được 1 đồng GDP thì Việt Nam phải đi vay hay bơm tiền vào nền kinh tế đến ít nhất 6 – 7 đồng. Kết quả dù GDP tăng cao nhưng người dân phải trả lãi cao hơn, sức mua giảm do đồng tiền trượt giá.

Cụ thể, báo cáo của TCTK cho thấy lượng cung tiền đang tăng cao, tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 20/3/2018 đã tăng 3,23% – mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại.

Thêm vào đó, một rủi ro nữa là tăng trưởng của Việt Nam dựa vào xuất nhập khẩu quá lớn. Theo TCTK, trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả quốc gia đạt xấp xỉ 425 tỷ USD, gần gấp 2 lần quy mô nền kinh tế (220 tỷ USD).

Với tỷ trọng xuất khẩu phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI (chiếm gần 73%), cho thấy Việt Nam chỉ đang xuất khẩu “dùm” các doanh nghiệp nước ngoài bằng việc bán rẻ tài nguyên và hao hụt nhân lực quá lớn. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lương bình quân của lao động tại các doanh nghiệp FDI năm 2017 chỉ khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, trên thực tế lương của công nhân còn thấp hơn nhiều, cụ thể một số nơi như Nghệ An, lương bình quân của công nhân chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Tăng trưởng không thực chất

Sẽ không có gì đáng bàn nếu chúng ta hài lòng với một kết quả tăng trưởng GDP do chính nội lực nền sản xuất trong nước tạo ra, nhưng, sẽ là một vấn đề lớn khi tăng trưởng đó là do người nước ngoài đóng góp chủ yếu, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chi phối quá nhiều vào nền kinh tế.

Các quốc gia khác mặc dù tăng trưởng thấp nhưng mức sống người dân lại cao, thậm chí như Chính phủ Singapore hay Hồng Kông mới đây còn chia hàng tỷ Đô la cho người dân và các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội vì thu ngân sách thặng dư.

Tương tự, các quốc gia Bắc Âu chưa bao giờ nổi tiếng với tốc độ phát triển kỷ lục hay tự xưng họ nền kinh tế rồng, hổ của khu vực. Ấy vậy, các quốc gia ở đó như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển… luôn chễm chệ trên top đầu bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong suốt nhiều năm liền.

>> Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn vật chất để tâm linh an bình (Video)

Chinh phu
(Ảnh minh họa: “Nowhere” | caglecartoons.com)

Ở Việt Nam trái lại, tăng trưởng cao kỷ lục và thu ngân sách liên tục tăng đều trong 15 năm qua (WTO cho biết Việt Nam đứng Top 3 khu vực về thu ngân sách/GDP), nhưng vẫn không thể bù đắp được tốc độ chi tiêu của Chính phủ. Hệ quả là ngân sách luôn trong tình trạng thâm hụt nặng, buộc Chính phủ vay thêm tiền để chi tiêu đẩy nợ công vào cuối năm 2017 lên 3,31 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ của khối Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả mà cuối cùng Chính phủ cũng phải đứng ra bảo lãnh hoặc trả nợ thay, thì trên thực tế tỷ lệ nợ công có thể lên đến gần 93%GDP – vượt xa ngưỡng cho phép 65%GDP.

Người dân dù muốn dù không cũng đang phải gánh nợ thay Chính phủ dưới nhiều hình thức như trả nhiều loại thuế, phí cao gấp 3 lần quốc gia khác; phải trả nhiều tiền hơn để mua cùng món hàng như cũ do thu nhập không theo kịp tốc độ trượt giá của đồng tiền Việt; khối nợ công chia đều cho mỗi người dân đang phải gánh 33 triệu đồng…

Ngoài ra, để đổi lấy tăng trưởng như kỳ vọng, các nguồn tài nguyên quốc gia đã được khai thác triệt để (dự báo trong 5 năm nữa Việt Nam sẽ cạn kiệt cát tự nhiên), tác động ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp, xả thải của các nhà máy sản xuất hay như Formosa “nhuộm” nguyên dải biển miền Trung bằng hóa chất… người dân cuối cùng vẫn là những người gánh chịu hậu quả trầm trọng nhất.

Với tất cả những cơ hồ đó, thử hỏi tăng trưởng kỷ lục liệu có còn thật sự ý nghĩa và cần thiết?! Đáng buồn thay, khái niệm tăng trưởng đang bị các chính trị gia lợi dụng để tô vẽ và che đậy thực tế. Trong khi vừa “xén lông cừu” họ vừa xoa dịu chúng bằng các hứa hẹn về một xứ sở thiên đường không thật.

Chính vì vậy, các chính trị gia và giới lãnh đạo thường có xu hướng vui mừng và đắc ý về con số phần trăm của tăng trưởng, trong khi dân chúng không hề cần điều đó, họ muốn các nhà làm chính sách bớt nói lại và làm nhiều hơn, bởi những thay đổi trong cuộc sống của người dân hằng ngày sẽ giúp họ hiểu được đất nước đang được cải biến theo chiều hướng tốt đẹp nào, chứ không phải bằng những tung hô sáo rỗng về GDP.

Chân Hồ