Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết từ sau năm 2020, các mỏ khí thiên nhiên của Việt Nam sẽ suy giảm và cần phải nhập khẩu hàng chục tỷ m3 khí hóa lỏng để cung cấp cho các nhà máy điện.

PVN
Khí thiên nhiên Việt Nam sẽ suy giảm từ 2022. (Ảnh: PVN)

Đó là thông tin vừa được người đứng đầu ngành dầu khí thuộc Bộ Công thương chia sẻ tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường Gas” vừa được tổ chức ngày 14/11.

Theo đó, bà Quỳnh cho hay các mỏ khí hiện nay đủ đáp ứng 100% nhu cầu trong nước, nhưng sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 2022.

Bên cạnh đó, lượng khí thiên nhiên hiện có bao nhiêu là dùng hết bấy nhiêu, không dư thừa để hóa lỏng. Do vậy, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) để phục vụ nhu cầu trong nước, đặc biệt là hoạt động sản xuất điện tại các nhà máy điện khí.

Cụ thể, theo kế hoạch của Bộ Công thương, giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ 1 – 4 tỷ m3 khí LPG/năm, sau đó tăng lên 6 – 10 tỷ m3/năm từ 2026 – 2035.

Mặc dù vậy, trở ngại lớn nhất hiện nay, theo đại diện Bộ Công thương, là thiếu vốn và cơ sở hạ tầng về kho bãi chưa đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu LPG.

Theo bà Quỳnh, hiện có kho Thị Vải đang hoạt động có khả năng chứa 3 triệu tấn khí hóa lỏng, nhưng khi nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng trong tương lai, sẽ cần phải xây dựng thêm những kho mới tại Tây Nam Bộ và Bắc Bộ.

“Ngân hàng Thế giới đang nghiên cứu một số địa điểm như Long Sơn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất kho ở Cà Nà, Bạc Liêu…”, bà cho hay.

Về thị trường nhập khẩu LPG, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than cho biết sản lượng khí LPG ở châu Á không nhiều, chủ yếu là từ Indonesia. Do đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LPG từ Úc, Trung Đông thông qua nước trung gian là Singapore.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường khí LPG của Việt Nam trong 5 năm gần đây bình quân trên 12%, trong đó các ngành sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải tiêu thụ khoảng 35%, còn lại 65% là các cơ sở thương mại, dịch vụ và hộ tiêu thụ dân dụng.

Tú Mỹ

Xem thêm: