Đối mặt với khoản lỗ lịch sử 23 tỷ USD, SoftBank đã bán 34 tỷ USD cổ phiếu của Alibaba vào ngày 12/8 để đổi lấy tiền mặt trang trải các khoản thiếu hụt. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào các công ty như Didi, SenseTime và Zhangmen Education (ZME) cũng bị mất trắng. Ông Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank Group hối đã không kịp.

Embed from Getty Images

Đầu tư vào Trung Quốc lỗ khủng 23 tỷ USD, nhà sáng lập Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, ông Masayoshi Son, hối cũng không kịp. (Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg qua Getty Images)

Ngày 8/8, trong vòng 3 tháng, tính đến tháng Sáu, Tập đoàn đầu tư công nghệ khổng lồ của Nhật Bản SoftBank thông báo, họ đã mất hơn 23 tỷ USD do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu. Đây là một khoản lỗ lớn khác sau khoản lỗ 1.700 tỷ yên (12,7 tỷ USD) trong quý trước.

Trong báo cáo tài chính hàng quý mới nhất của SoftBank, công ty công nghệ Trung Quốc SenseTime đã mang lại cho SoftBank khoản lỗ 235,9 tỷ yên (khoảng 1,8 tỷ USD). SenseTime là một công ty trí tuệ nhân tạo, chuyên về công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Tháng 7/2018, SoftBank đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào SenseTime. Tuy nhiên, ngày 10/12 năm ngoái, ngay khi SenseTime chuẩn bị niêm yết ở Hồng Kông và các nhà đầu tư đang chuẩn bị thu hoạch, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa công ty này vào danh sách “Các doanh nghiệp liên hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc”, cáo buộc chương trình nhận dạng khuôn mặt mà họ phát triển được Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để giám sát người Duy Ngô Nhĩ.

Khi nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, SenseTime cũng nhấn mạnh rằng công nghệ của hãng có thể nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ đeo kính râm và che mặt bằng râu. Cuối cùng, sau khi SenseTime được niêm yết, cổ phiếu của họ đã giảm mạnh hơn 50% vào tháng Sáu năm nay, bốc hơi 90 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 11,5 tỷ USD) giá trị thị trường.

So với 8 năm trước khi Alibaba ra niêm yết ở Mỹ và đưa ông Masayoshi Son trở thành người giàu nhất Nhật Bản, thì tâm trạng hiện giờ của ông lại khác biệt như trên trời dưới vực.

Alibaba từng là khoản đầu tư đáng tự hào nhất của SoftBank. Khi Alibaba mới thành lập, ông Masayoshi Son đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba. Sau khi Alibaba niêm yết tại Hoa Kỳ, SoftBank đã nhận được khoản lợi nhuận khổng lồ gấp hơn 2.000 lần.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện thành công của Alibaba, ông Masayoshi Son dự định sẽ đạt được thành công lớn hơn tại thị trường Trung Quốc. Ứng dụng gọi xe taxi Didi là một kho báu khác mà ông quyết định đặt cược.

Đầu tư vào Didi

Năm 2017, ông Masayoshi Son đầu tư 8 tỷ USD vào Didi. Tháng Chín cùng năm, SoftBank lại đầu tư thêm 639 triệu USD, mua lại 5% cổ phần của Alibaba trong Didi. Năm 2020, ông Masayoshi Son đầu tư thêm 500 triệu USD vào xe tự lái thông minh của Didi.

Tính đến tháng Sáu năm nay, Tập đoàn SoftBank đã đầu tư tới 12 tỷ USD vào Didi. Theo bản báo cáo gọi vốn của công ty này, SoftBank nắm giữ tổng cộng 21% cổ phần của Didi và là cổ đông lớn nhất của họ.

Tuy nhiên, chuyến đi tìm vàng tại Trung Quốc lần này của SoftBank lại gặp thất bại nặng nề.

Ngày 30/6 năm ngoái, Didi đã phớt lờ những lời cảnh báo của nhà chức trách ĐCSTQ và niêm yết tại New York theo kế hoạch, với giá chào bán là 14 USD/ cổ phiếu, huy động thành công 4,4 tỷ USD.

Để trừng phạt hành vi “bất tuân” của Didi, “Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc” (CAC) đã tiến hành rà soát “an ninh mạng” đối với Didi và ra lệnh cho Didi gỡ bỏ ứng dụng, cấm người dùng mới đăng ký với lý do “thu thập và sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp nghiêm trọng”. Kể từ đó, giá cổ phiếu của Didi đã giảm mạnh.

Ngày 10/6 năm nay, Didi đã bị hủy niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Vào ngày hủy niêm yết, biên nhận tiền gửi tại Mỹ của Didi đã giảm xuống còn 2,29 USD/ cổ phiếu, giảm 84% so với giá phát hành công khai lần đầu (IPO) là 14 USD.

Báo cáo tài chính hợp nhất của SoftBank Group cho năm tài chính 2021 được công bố ngày 12/5 năm nay cho thấy, Didi đã mang lại cho SoftBank khoản lỗ trên sổ sách khoảng 900 tỷ yên (khoảng 6,7 tỷ USD).

Zhangmen Education (ZME) bị hủy niêm yết

ZME cũng khiến các khoản đầu tư của SoftBank trở nên lãng phí.

Tháng 9/2020, thương hiệu giáo dục trực tuyến K12 Zhangmen Education (ZME) đã nhận được một vòng tài trợ mới hơn 400 triệu USD. Các nhà đầu tư là SoftBank Vision Fund, Genesis Capital, Ban Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada (CPPIB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc World Bank và CMC Capital.

Tháng 6/2021, Zhangmen Education được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York, với tư cách là “cổ phiếu trực tuyến đầu tiên 1 đối 1”. Giá phát hành của Zhangmen Education là 11,5 USD. Vào ngày đầu tiên niêm yết, nó đã tăng 78% trong ngày, gây ra sự cố ngắt mạch 3 lần.

Tuy nhiên, khoảng thời gian tốt đẹp này không kéo dài. Tháng 7/2021, Quốc vụ viện ĐCSTQ đưa ra chính sách “giảm kép”, áp đặt các hạn chế về việc dạy thêm ngoại khóa cho học sinh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời yêu cầu tất cả các công ty giáo dục và đào tạo tư nhân phải chuyển đổi và đăng ký là các tổ chức phi lợi nhuận. Sau đó, ngành đào tạo khoa học K12 đã trải qua những biến động lớn, nhiều công ty giáo dục thua lỗ nặng.

Zhangmen Education đã cho hơn 1.000 nhân viên nghỉ việc, và trả lại trụ sở. Họa vô đơn chí, tháng 11/2021, Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, một công ty luật của Mỹ, đã thay mặt cho các cổ đông, đệ đơn kiện tập thể, cáo buộc rằng tổ Zhangmen Education có hành vi gian lận, gồm quảng cáo sai sự thật, giả mạo bằng cấp giáo viên, phóng đại hiệu suất của sinh viên và lừa gạt về giá cả. Giá cổ phiếu của Zhangmen Education giảm mạnh xuống còn 0,6 USD/ cổ phiếu, giảm 96% so với giá phát hành.

Tháng 6/2022, chỉ 1 năm sau khi niêm yết, Zhangmen Education đã bị buộc hủy niêm yết khỏi Thị trường Chứng khoán New York.

Ông Masayoshi Son hối không kịp

Đối mặt với khoản lỗ lịch sử 23 tỷ USD, ngày 12/8, SoftBank đã quyết định bán cổ phần tại Alibaba với giá 34 tỷ USD, đổi lấy tiền mặt bù đắp các khoản thiếu hụt. Điều này sẽ làm giảm cổ phần của Alibaba từ 23,7% xuống 14,6%.

Tại cuộc họp cổ đông của SoftBank vào tháng Sáu năm nay, ông Masayoshi Son nói rằng “mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc đã giảm” khi nói về việc đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời nói rằng trong tương lai, ông sẽ chú ý đến chính sách của Chính phủ Trung Quốc và “đầu tư trên cơ sở đảm bảo an toàn, và sẽ hoạt động rất cẩn thận.”

Ngày 10/8 năm ngoái, tại hội nghị về báo cáo tài chính của Tập đoàn SoftBank, ông Masayoshi Son nói rằng SoftBank sẽ tạm ngừng đầu tư vào Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank có 23% các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Ngày 8/8 năm nay, tại hội nghị kết quả hoạt động của SoftBank Group, ông Masayoshi Son đã nói với một giọng điệu u sầu: “Khi chúng tôi thu được lợi nhuận khổng lồ, tôi đã trở nên hơi bối rối, và bây giờ nhìn lại bản thân, tôi cảm thấy khá xấu hổ và hối hận.”

Nhà bình luận thời sự Miyasita Kiyokawa, cũng là người am hiểu hệ thống tài chính Trung Quốc và hệ thống chính trị, từng nói với Epoch Times rằng: “Đối với các nhà đầu tư, dù trong nước hay nước ngoài, thị trường nhà ở Trung Quốc rất không chắc chắn, và sự không chắc chắn này đến từ hệ thống chính trị của ĐCSTQ.” “Khi ĐCSTQ cần đầu tư nước ngoài thì các điều kiện đầu tư nước ngoài rất dễ thương lượng; khi ĐCSTQ cần ‘doanh nghiệp trong nước’, thì đầu tư nước ngoài sẽ không được thấy sắc mặt tốt của ĐCSTQ.”

Vấn đề là triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn rất không chắc chắn, vì nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn đang bám sát chính sách “Zero-COVID”. Sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.5 có khả năng lây nhiễm cao ở một số thành phố làm tăng thêm mối đe dọa về các vụ phong tỏa mới. Số trường hợp COVID-19 được xác nhận vào ngày 15/7 đã đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng Năm.

Bình Minh (t/h)