Tập đoàn hóa chất (Vinachem) cho biết tập đoàn không thanh toán đủ nợ đến hạn khoản vay đầu tư dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

dam-ninh-binh
(Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình/ Ảnh: qua ninhbinhurea.com.vn)

Trong thông báo mới nhất về tình hình vay trả nợ của dự án Đạm Ninh Bình, Vinachem cho biết Đạm Ninh Bình đang trong cảnh hết sức khó khăn và tập đoàn không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn trong năm 2018 cho VDB.

Theo Vinachem, trong 2 năm 2008 – 2010, lãnh đạo tập đoàn này đã ký hai hợp đồng vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.340 tỷ đồng và 76 triệu USD (tương ứng 4.770 tỷ đồng) để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình.

Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ của hai hợp đồng tín dụng nói trên đã lên tới 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD.

Tổng số tiền nợ gốc phải trả và tiền lãi phát sinh, lãi quá hạn chưa trả tính đến tháng 9/2018 mà Đạm Ninh Bình phải trả cho VDB lên tới 473,3 tỷ đồng và 324.700 USD.

Trong số này, đến nay Vinachem mới trả nợ gốc được tổng cộng 50 triệu đồng và 324.700 USD. Tổng số nợ còn lại chưa thanh toán cho chủ nợ lên tới 473,2 tỷ đồng.

“Do tình hình tài chính tập đoàn đến nay rất khó khăn, tập đoàn không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ toàn bộ các khoản vay đến hạn cho VDB trong năm 2018. Tập đoàn chỉ thu xếp được để trả VDB một phần nọ gốc và lãi vay đến hạn”, lãnh đạo Vinachem cho hay.

Mới đây, trong văn bản gửi lên Chính phủ, Đạm Ninh Bình tiếp tục xin không xếp hạng tín dụng đối với công ty và cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB.

Cùng với đó, Đạm Ninh Bình cũng xin được cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng cho vay. Đồng thời cho phép điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm (2017 – 2021) là 3%/năm; nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm tiếp theo.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Đạm Ninh Bình đề xuất xin hỗ trợ. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đề xuất Bộ Công thương hỗ trợ để vay thêm 500 tỷ đồng cứu nhà máy đang nợ chồng chất vì thua lỗ.

Đề xuất trên vấp phải phản đối từ các chuyên gia cho rằng dự án này đã sai ngay từ đầu nên khó lòng giải cứu được và doanh nghiệp không thể cứ thua lỗ lại đề nghị giải cứu.

Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì thẳng thừng nói: “trước khi trời cứu, Đạm Ninh Bình phải tự cứu mình trước.”

Chân Hồ

Xem thêm: