Indonesia là quốc gia xuất khẩu dầu cọ (một loại dầu ăn thực vật) lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Mới đây, chính quyền Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn từ ngày 28/4 khiến nguy cơ khủng hoảng nguồn cung tăng cao.

Indonesia tam ngung xuat khau dau an the gioi khung hoang dau an do Indonesia 295446149
Indonesia tạm ngừng xuất khẩu dầu ăn từ ngày 28/4 do lo ngại nguồn cung trong nước và giá cả leo thang. (Ảnh minh họa: Branislavpudar/Shutterstock)

Theo The Epoch Times, hôm thứ Sáu 22/4, Tổng Thống Indonesia Joko Widodo cho biết Indonesia sẽ tạm ngừng việc xuất khẩu dầu ăn và các nguyên liệu thô từ ngày 28/4 để giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước và kiểm soát sự mất ổn định của giá thành dầu ăn.

Chính phủ Indonesia đã thiết lập một mức giá căn bản là 14,000 rupiah (0,98 đô la Mỹ, tương đương hơn 22.000 đồng) cho mỗi lít dầu ăn với số lượng lớn, nhưng dữ liệu của Bộ Thương mại Indonesia cho thấy mặt hàng này đã được bán với giá cao hơn là 18,000 rupiah/lít (1,24 đô la Mỹ, tương đương hơn 28.500 đồng/lít) trong tháng này.

Ông Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Hà Lan Rabobank, cho biết thế giới “không thể thay thế” nguồn cung dầu ăn của Indonesia. “Đó chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào nguồn cung dầu ăn trên toàn cầu” – ông Mera nói.

Các nhà chức trách Indonesia đã phải vật lộn để kiểm soát thị trường nội địa cho loại dầu ăn có gốc từ dầu cọ sau khi giá thành của dầu ăn tăng 40% vào đầu năm nay. Nguyên nhân được cho là bởi vì giá thành dầu ăn toàn cầu đang tăng cao, với mức giá dầu ăn bình quân 26,436 rupiah (tương đương với 1,84 đô la Mỹ, tương đương 41.900 đồng) cho mỗi lít.

Được biết, Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất và chiếm 1/3 sản lượng xuất khẩu dầu cọ toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia đã khiến giá dầu giao sau của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục cao nhất trong ngày thứ ba liên tiếp.

Ở Anh, một số siêu thị đang hạn chế người dân mua dầu ăn như: dầu hướng dương, ôliu, hạt cải.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến hoạt động buôn bán dầu hướng dương rơi vào hỗn loạn. Điều này kéo theo nguồn cung các loại dầu thực vật khác ngày càng bị siết chặt.

Bên cạnh đó, những bất ổn về thời tiết tại các nhà sản xuất dầu ăn lớn trên thế giới đang làm tăng thêm nỗi lo thiếu hụt dầu ăn.

Tình trạng khô hạn đã làm hạn chế quy mô thu hoạch đậu nành ở Mỹ. Giá dầu đậu nành tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2021 và đang đặt ra nhu cầu tìm các mặt hàng thay thế. Cải dầu của Canada đã leo lên mức cao nhất lịch sử vào năm 2021, khi hạn hán tàn phá khiến cây trồng trên khắp các thảo nguyên Bắc Mỹ bị thu hẹp.

Trong khi đó, giá dầu cọ ở châu Á đã tăng khoảng 50% và hạt cải dầu ở châu Âu tăng thêm 55% trong 12 tháng qua.

Ông Atul Chaturvedi – Chủ tịch Hiệp hội chiết xuất dung môi và tập đoàn thương mại dầu ăn của Ấn Độ, cho biết: “Chúng tôi vô cùng sốc trước quyết định này của Indonesia và không mong đợi một lệnh cấm như thế này”.

Ông Tosin Jack – Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa tại Công ty Mintec – nhà cung cấp hàng đầu thế giới về dữ liệu giá cả hàng hóa toàn cầu ở Anh, cho biết hành động mới nhất của Indonesia chắc chắn sẽ làm “trầm trọng thêm” lạm phát thực phẩm vốn đã ở mức cao kỷ lục.

Tú Minh dịch, theo The Epoch Times