Một số công ty từng trả thưởng tháng thứ 13 cho người lao động bằng nước mắm, tương ớt, khăn mặt, tất, quần đùi, hương (nhang), dép, thậm chí là… gạch.

thuong tet bang huong nhang
Hàng ứ đọng, doanh nghiệp khó khăn khiến nhiều cơ sở chọn giải pháp thưởng Tết bằng hiện vật. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Tại Hội thảo “Tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net) tổ chức ngày 20/6, các bên đã chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Những nội dung liên quan đến khung giờ làm thêm, tiền lương, quấy rối tình dục, tuổi nghỉ hưu… được đề cập, trong đó đáng chú ý là đề xuất thay đổi quy định về thưởng cho người lao động.

Khoản 1 Điều 105 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định: “Thưởng là khoản tiền hoặc tài sản hoặc hiện vật mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.”

Theo CDI và các tổ chức thuộc 6 nhóm/mạng lưới, tiền thưởng là giá trị gia tăng của người lao động khi họ hoàn thành tốt công việc, đóng góp cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc thưởng phải là việc động viên để người lao động tiếp tục cống hiến thời gian và công sức cho công ty.

Thực tế, việc một số công ty trả thưởng tháng thứ 13 cho người lao động bằng sản phẩm của đơn vị sản xuất như nước mắm, tương ớt, khăn mặt, tất, quần đùi, hương (nhang), dép, thậm chí là gạch gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Việc thưởng những sản phẩm này khiến người lao động rơi vào tình huống tiêu thụ giúp doanh nghiệp, không dùng được mà bán thì không ai mua. Vì thế, việc quy định doanh nghiệp được thưởng bằng hiện vật là rất thiệt thòi cho người lao động.

CDI và các tổ chức khuyến nghị đề xuất 2 phương án về thưởng Tết, phương án 1: Bỏ loại thưởng bằng tài sản hoặc hiện vật trong khoản 1, Điều 105; phương án 2: Phân loại các loại thưởng bắt buộc bằng tiền như: Thưởng năng suất, thưởng hiệu quả kinh doanh.

Tháng 12/2011, khi được hỏi về việc một cơ sở sản xuất bánh tại Hà Nội đã trả lương, thưởng người lao động bằng bánh, nhân viên ngành điện thành phố Thái Nguyên nhận thưởng Tết bằng… bóng đèn, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho hay: “Tuy luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích các hình thức thay thế cho việc trả lương, thưởng bằng tiền mặt mà chủ sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, không có tiền để trả người lao động, việc trả thay bằng sản phẩm phải có sự đồng ý của bên nhận lương”.

Luật lao động hiện hành không quy định việc thưởng bằng hiện vật thay thế cho tiền mặt. Điều 103, Bộ Luật lao động 2012 quy định:

“Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: