Sau 7 ngày TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy, lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn – Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Nguyễn Hồng Diên thừa nhận trong cuộc họp liên bộ Công thương – Nông nghiệp sáng 18/7. 

cho truyen thong tphcm
Khu chợ ở chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM), ngày 17/4/2021 – trước khi dịch virus Vũ Hán bùng phát lần 4 tại Việt Nam. Năng lực cung ứng của chợ truyền thống được xác định chiếm đến 60-70% tại TP này. (Ảnh minh họa: CravenA/Shutterstock)

Mở lại chợ nhưng sẽ ra sao khi nông dân bị cấm ra khỏi nhà?

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm cuộc họp, toàn TP này có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, gồm 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Có 3 chợ vừa được mở lại là chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.

Trong bối cảnh hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang quá tải, TP.HCM sẽ cho mở lại các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn, không mở cửa lại toàn bộ mà chọn một số tiểu thương tổ chức các điểm bán hàng (đồ tươi sống, rau, củ, quả); hiện chợ Phú Thọ có 6 tiểu thương mở bán lại, chủ yếu là lương thực, thực phẩm tươi sống.

Dự kiến trong tuần sau (tức từ ngày 19-25/7), sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương, phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt, các chợ sau sẽ mở lại, gồm chợ Kiến Thành (quận Bình Tân), chợ Xã Tây (quận 5), chợ Phú Định và chợ Minh Phụng (quận 6) chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định (quận 8), chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), huyện Nhà Bè dự kiến 2 chợ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay cần mở lại chợ truyền thống, “vì nếu chỉ trông chờ vào hệ thống siêu thị sẽ không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng”. Ba điều kiện để mở lại chợ là: chỉ bán hàng thiết yếu; thực hiện 5K, phát phiếu mua hàng luân phiên; tiêm vắc-xin cho tiểu thương.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay TP.HCM đã mở lại các chợ truyền thống nhưng đang gặp khó khăn về cung ứng nguồn hàng, dẫn tới giá cả tăng.

“Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên 35.000 đồng/kg”, ông Phương nói, cho biết hàng hóa qua chợ đầu mối 70% không dùng cho TP.HCM mà dùng cho các tỉnh thành trong vùng nên các chợ đầu mối có giá trị liên vùng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết tỉnh này sẽ thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có. Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang cho hay khâu vận chuyển hàng hóa hiện đang bị “nghẽn”. Sở Công Thương các tỉnh kiến nghị ngành Y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ vắc-xin để tháo gỡ vướng mắc do đứt gãy lao động thương mại.

Chưa kể đầu cơ, giá cả tăng vì thiếu nhân công, chi phí xét nghiệm, chỗ ở cho tài xế, nhân viên kho…

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá cả một số mặt hàng.

Một số nguyên nhân gây tăng giá như:

– Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng/điểm bán tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao;

– Chi phí nhân công tăng; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc;

– Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên (tài xế giao hàng, nhân viên kho, nhân viên đi làm ở từ 2 tỉnh lân cận nhau trở lên…);

– Chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa;

– Hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, dịch bệnh đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của TP.HCM và các tỉnh thành phố phía Nam, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động…

Cũng theo ông Hải, hiện nay đang khác và rất khác so với bình thường nên có một vài nơi hàng hóa thiếu, giá cao là chuyện bình thường. Hơn nữa, các chợ đầu mối ở TP.HCM dừng hoạt động gây thiếu hụt hàng hóa cho người mua và cũng gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố khác do thiếu đầu ra và nơi cung cấp hàng hóa.

Ông Hải đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm bán lưu động.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Vũng Tàu không cho đi làm bằng xe 2 bánh, đi bộ; người làm và shipper phải có giấy xét nghiệm