Với khoản lỗ ròng 17 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) tăng lên mức 134,7 tỷ đồng, đồng thời làm giảm vốn chủ sở hữu xuống mức 269,4 tỷ đồng. 

bv gtvt
Trụ sở Bệnh viện GTVT, tại quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: FB Bệnh viện Giao thông Vận tải)

Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là chủ sở hữu Bệnh viện GTVT (Hà Nội), Bộ GTVT đại diện cho phần góp vốn của Nhà nước.

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm gửi Bộ GTVT, doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt 70,8 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân được cho là do lượng bệnh nhân tới khám và khám đi xuất khẩu lao động giảm sâu trong dịch COVID-19.

Trong đó, chi phí của bệnh viện lên tới 87,8 tỷ đồng (thuốc men, vật tư y tế, hóa chất, chi phí quản lý…). Dù con số này giảm 22% so với cùng kỳ nhưng khoản chi này vẫn lớn hơn số thu khiến bệnh viện lỗ ròng 17 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2020.

Khoản thua lỗ này tăng hơn 1,2 tỷ so với cùng kỳ và nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 của bệnh viện lên gần 135 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của doanh nghiệp bị đẩy lên mức 134,7 tỷ đồng tính đến 30/6/2020, đồng thời làm giảm vốn chủ sở hữu xuống mức 269,4 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo Công ty CP Bệnh viện GTVT, tính đến 30/6/2020, công nợ phải thu ngắn hạn của bệnh viện là 96,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản phải thu từ BHXH TP Hà Nội (96,34 tỷ đồng). Phía bệnh viện đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 4,784 tỷ đồng.

Công nợ phải trả ngắn hạn của bệnh viện là 73,746 tỷ đồng, gồm: 56,174 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn; 11,419 tỷ đồng phải trả người lao động; 4,688 tỷ đồng phải nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; 1,465 tỷ đồng phải nộp khác.

Với tình hình công nợ này, đại diện Công ty CP Bệnh viện GTVT cho biết đang gặp khó khăn trong việc chi trả cho người lao động các khoản lương, phụ cấp phẫu thuật, phụ cấp trực, phụ cấp độc hại… Do nợ 4,688 tỷ đồng với BHXH Đống Đa nên người lao động khi nghỉ hưu không chốt được sổ. Ngoài ra, do công nợ không thanh toán đúng hạn nên nhiều nhà cung cấp đã dừng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư cho bệnh viện.

Hiện ba cổ đông chiến lược liên quan tới Tập đoàn T&T – gồm ông Đỗ Quang Hiển, ông Trần Đỗ Thành, bà Trần Thị Kim Liên – đã có đơn xin từ nhiệm vào từ tháng 7 vừa qua.

Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển giữ vị trí Chủ tịch từng nắm giữ tỷ lệ cổ phần sở hữu chi phối từ 51,43% (từ hồi tháng 10/2015). Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thay đổi phương án cổ phần hóa, vốn Nhà nước tại đây đã tăng từ 32,73% lên 71,18%. Cùng với đó, phần vốn của T&T bị giảm từ 51,43% xuống 22,07% dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi.

Sau khi không còn được nắm quyền chi phối tại bệnh viện, tháng 4/2018, T&T xin thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát với tư cách là cổ đông chiến lược.

Doanh thu của Bệnh viện GTVT giảm sâu sau nửa đầu năm 2017, tới quý 3/2017 bắt đầu báo lỗ gần 4,5 tỷ đồng. Hiện con số lỗ lũy kế đã tăng lên 134,7 tỷ đồng.

Giữa tháng 7/2020, ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty CP Bệnh viện GTVT từ Bộ GTVT sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với lý do Cục Y tế GTVT sẽ giải thể nên Bộ GTVT không còn cơ quan tham mưu nên không tiếp tục việc quản lý các bệnh viện, và SCIC có kinh nghiệm quản lý vốn, nhân sự để xử lý các vấn đề tại Bệnh viện GTVT.

Nguyễn Quân

Xem thêm: