Sở Công thương TP.HCM thừa nhận việc cung ứng hàng hóa đang đè nặng lên hệ thống phân phối hiện đại khi năng lực cung ứng của siêu thị, cửa hàng tiện lợi… vào thời điểm bình thường chỉ 25%, còn năng lực cung ứng của chợ truyền thống từ 70%, hiện giảm xuống còn chưa đầy 1/5. 

Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa đứng trước nguy cơ bị đứt gãy “kép” do nhu cầu dự trữ hàng hóa và khả năng miền Tây “đóng cửa” khi các tỉnh đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16. Lúc này, mở lại chợ đầu mối, điểm bán trong chợ truyền thống được giới chức TP tính đến như giải pháp về nguồn cung, phân phối.

cho phong toa
Một khu chợ truyền thống tại TP.HCM khi bị buộc đóng cửa trong dịch virus Vũ Hán, ngày 22/6/2021. (Ảnh: All themes/Shutterstock)

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi… quá tải

Trong cuộc họp chiều 16/7 về kết quả đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế khi thực hiện Chỉ thị 16, Phó giám đốc Sở Công thương – ông Nguyễn Nguyên Phương có đưa thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa trong TP.HCM.

Ông Phương cho biết năng lực cung ứng hàng hóa của chợ truyền thống là 70%. Trong khi năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) chỉ là 25%, còn lại là các kênh phân phối khác.

Với việc chỉ còn 48/237 chợ còn hoạt động (3 chợ đầu mối và 186 chợ truyền thống đã đóng cửa), năng lực cung ứng của các chợ truyền thống đã giảm xuống chưa đầy 1/5 so với bình thường. Từ đó việc cung ứng hàng hóa đè nặng lên hệ thống phân phối hiện đại, vốn trong điều kiện bình thường chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu .

Tới ngày 16/7, 5 siêu thị: Co.opXtra Tân Phong (quận 7), Co.opmart Phú Thọ (quận 11), Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1), Big C An Lạc (quận Bình Tân) đang đóng cửa. Trong đó, Co.opXtra vừa mở cửa sau mấy ngày tạm ngừng vì có ca F0 tiếp tục phải đóng lại. Hai siêu thị Satramart là siêu thị Sài Gòn (quận 1) và siêu thị Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) vừa mở lại trong ngày.

Thêm 7 cửa hàng tiện lợi, gồm 6 cửa hàng của hệ thống Bách Hoá Xanh, 1 cửa hàng Vissan) tại các quận 5, 12, Tân Bình, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức) đóng cửa từ ngày 15/7 vì có ca F0, nâng tổng số cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động là 82/2845 cửa hàng, chiếm gần 3%.

Sở Công thương cho rằng các hệ thống mua sắm đã đẩy công suất hàng lên tối đa nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng.

Ngoài ra, theo ông Phương, nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy do năng lực của các hệ thống phân phối chỉ đáp ứng cho nhu cầu mua sắm nhưng chưa tính toán được nhu cầu dự trữ hàng hóa cùng lúc.

“Tôi lấy ví dụ mặt hàng trứng gia cầm, người dân miền Tây gần như không dự trữ nhiều, tuy nhiên khi các địa phương thực hiện giãn cách thì người dân bắt đầu thu mua và dự trữ. Các mặt hàng tươi sống khác cũng vậy, dẫn tới việc cung ứng cho TP.HCM giảm, không kịp đáp ứng nhu cầu…”, ông Phương nói, dẫn theo Tuổi Trẻ.

Sở Công thương cho hay ngoài huy động các doanh nghiệp, hệ thống khác để phân phối hàng hóa, giải pháp căn cơ là phải rà soát mở lại các chợ truyền thống, theo hướng lựa chọn một số tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu.

Hai phương án được Sở này đưa ra, một là bán hàng đăng ký trước: các hệ thống phân phối sẽ báo cho địa phương danh mục hàng hóa, số lượng, giá cả. Từ đó, địa phương báo lại cho từng hộ dân để đăng ký, từ bản đăng ký, nhà cung cấp sẽ chuẩn bị nguồn hàng để chuyển đến.

Cách thứ 2 là mở các điểm bán tại các chợ đảm bảo an toàn, thí điểm chọn từ 2 đến tối đa 10 tiểu thương chia sẵn, bán hàng theo cách đồng giá để mua bán nhanh chóng, hạn chế tiếp xúc. Chính quyền địa phương báo cho người dân thời gian, mặt hàng, giá bán, cách bán, còn người dân chuẩn bị đến mua theo thời gian đã định.

TP.HCM tìm nguồn cung khác khi các tỉnh miền Tây “đóng cửa”?

Trong cuộc họp báo chiều 16/7, ông Phương cho hay nhiều tỉnh miền Tây đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và trong thời gian tới nếu các địa phương đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 thì việc mua hàng và vận chuyển sẽ khó hơn. Một số nơi đã không cho phép thu hoạch…, điều này khiến không chỉ vận chuyển mà việc thu mua, thu hoạch, sơ chế hàng hóa là lương thực thực phẩm cũng gặp khó khăn.

Sở Công thương TP.HCM cho rằng trung ương cần thống nhất phương án giữa các tỉnh, tránh việc mỗi nơi làm mỗi kiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa. Phía TP.HCM đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho người sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nên các địa phương khác cũng cần tiến hành theo cách này để thuận lợi cho sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Ông Phương cũng cho biết đang rà soát các nơi cung ứng, liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng ở những tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và khu vực phía Bắc để tìm nguồn hàng khi các tỉnh miền Tây “đóng cửa”.

Đáng lưu ý, ông Phương cho rằng hiện nay TP thiếu hệ thống phân phối khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động. Nếu 3 chợ này hoạt động trở lại, các thương lái quay lại, dựa vào khả năng thu mua của mình “thì nguồn hàng sẽ không thiếu”.

Cũng trong chiều 16/7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nói về việc đang xem xét để khôi phục chợ đầu mối thành nơi tiếp nhận hàng hóa, đưa đến các điểm cung ứng tại các quận, huyện…, mở lại các chợ an toàn chỉ bán lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm.