Thiệt hại kinh tế cho Nhà nước của 12 dự án/doanh nghiệp “thua lỗ nghìn tỷ” của ngành công thương đến nay chưa được xác định đầy đủ, theo báo cáo mới nhất do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đứng tên.

xo soi dinh vu
Dự án Nhà máy xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ – Hải Phòng, 2015. (Ảnh: feconmining.com.vn)

Vốn chủ sở hữu âm 7.264,61 tỷ đồng; tổng tài sản 59.152,88 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 63.308,82 tỷ đồng; lỗ lũy kế 26.360,88 tỷ đồng là bức tranh tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp thua lỗ trầm trọng của ngành công thương, theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020.

Báo cáo do ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng ký , gửi Quốc hội trả lời giám sát và chất vấn.

Theo báo cáo, 12 dự án này gồm 4 dự án sản xuất phân bón, 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, 2 dự án sản xuất thép, 1 dự án sản xuất xơ sợi polyester, 1 dự án sản xuất bột giấy và 1 doanh nghiệp công nghiệp tàu thủy.

Được công bố từ năm 2017, sau 3 năm, Bộ Công thương cho biết tiến độ xử lý các dự án còn vô số khó khăn, vướng mắc, ngoài việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, là các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh – quốc phòng.

Thiệt hại kinh tế cho Nhà nước của các doanh nghiệp/dự án trên chưa được xác định đầy đủ. Lý do có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC (đa phần các nhà thầu đến từ Trung Quốc) nên chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án nêu trên.

Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương được Bộ trưởng Bộ Công thương cập nhật như trên, với tổng nợ phải trả vượt tổng tài sản 4.155,94 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm hơn 7.200 tỷ trong khi lỗ lũy kế hơn 26.300 tỷ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành xử lý các dự án trên trong năm 2020, nếu phải chậm hơn thì không kéo dài quá nửa đầu năm 2021.

Ngoài gây hệ lụy về nguồn vốn đầu tư, các dự án đình trệ còn làm méo mó nguồn tài chính, tín dụng khi hàng loạt ngân hàng phải chịu các khoản nợ xấu. Hồi tháng 5/2020, báo cáo của Bộ Công thương gửi Quốc hội cho biết các ngân hàng, công ty tài chính đang mắc kẹt gần 21.000 tỷ đồng tại 12 đại dự án trên, đa số dư nợ không được trả đúng hạn.

Cụ thể, 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, 17.169 tỷ đồng dư nợ trung dài hạn, 3.769 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn.

Ngoài 12 dự án trên, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trung hạn 17.263 tỷ, ngắn hạn 5.701 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, một ngân hàng (PVcomBank) đã khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) – chủ đầu tư dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), buộc Vinapaco phải trả cho ngân hàng này 592,3 tỷ đồng vay tín dụng. Nhà máy bột giấy Phương Nam chưa từng hoạt động, hiện đã “đắp chiếu” gần 15 năm.

Vĩnh Long

Xem thêm: