Sau thông tin về việc Công ty F88 bị cơ quan công an khám xét khẩn cấp trụ sở ở TP.HCM, đại diện Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) vừa cho biết “tạm ngừng” hợp tác với F88 và yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

F88 cong ty f88 the gioi di dong
Công ty F88 và Thế Giới Di Động cho biết hiện tạm ngừng hợp tác. (Ảnh minh họa: dẫn qua Đất Linh/Facebook)

Truyền thông trong nước dẫn lời đại diện phía Công ty CP Đầu tư TGDĐ cho hay vừa tạm dừng hợp tác với Công ty F88 và yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ việc trụ sở F88 ở TP.HCM bị cơ quan công an khám xét khẩn cấp.

Hiện TGDĐ đã gửi yêu cầu giải thích chuyện gì đang xảy ra, trong khi đó tạm thời ngưng hợp tác với F88, đại diện Thế Giới Di Động cho biết, Zing đưa tin.

Nói rõ hơn về hợp tác với F88, Công ty Đầu tư TGDĐ cho biết họ là bên cung cấp dịch vụ nhập liệu (hỗ trợ nhập thông tin khách hàng có nhu cầu và gửi cho F88) và dịch vụ quảng cáo (quảng cáo nhãn hiệu có thu phí) cho F88 theo các hợp đồng dịch vụ đã ký đúng quy định.

Việc thẩm định, ký hợp đồng và hoàn tất dịch vụ cầm cố tài sản do F88 thực hiện với khách hàng.

Ở phía F88, đại diện công ty này cho hay không phải ngừng hợp tác với Công ty TGDĐ mà chỉ tạm dừng để đợi công văn phản hồi của F88 về vụ việc nói trên.

Trước đó, cuối năm 2021, chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 đã bắt tay với Công ty TGDĐ cho vay tiền mặt. Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại, theo Tuổi Trẻ.

Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên một kỳ quá hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng mức lãi trên là quá cao, vì 7,5%/tháng tương đương 90%/năm. Phí phạt quá hạn 50.000 đồng/ngày và không quá 150.000 đồng/kỳ quá hạn cũng là cao.

Ngoài ra, các công ty cho vay tài chính dưới chuẩn còn nhiều cách được cho là để lách qua quy định về trần lãi suất. Đơn cử như F88 có các khoản phí: Phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng); phí quản lý tài sản cầm cố (2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản); phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo.

Chiều 7/3, F88 đã phát đi thông cáo cho biết lý do cơ quan chức năng khám xét là để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến nhân sự của F88.

Trước đó vào sáng 6/3, lực lượng Phòng cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) và các đơn vị liên quan khám xét chi nhánh trụ sở Công ty tài chính F88 trên đường Nguyễn Oanh.

Không riêng trụ sở của Công ty F88 tại quận Gò Vấp, rất nhiều chi nhánh khác của công ty này tại TP.HCM cũng bị Công an thành phố khám xét, như chi nhánh văn phòng Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải (Quận 1), chi nhánh của F88 trên đường Đỗ Xuân Hợp, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12), chi nhánh trên đường Lê Trọng Tấn (Quận Tân Phú)…

Công ty F88 cho biết định hướng kinh doanh là cung cấp dịch vụ tài chính cho những khách hàng dưới chuẩn (tức không có đủ điều kiện vay ngân hàng) và các doanh nghiệp nhỏ chưa đáp ứng được các yêu cầu vay vốn của tổ chức tín dụng chuyên nghiệp.

Theo website của F88, Công ty này không chỉ cung cấp dịch vụ cho vay “siêu nhanh” bằng ô tô/đăng ký ô tô, xe máy/đăng ký xe máy, điện thoại, laptop… mà còn cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích tài chính khác như: Bảo hiểm, chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, internet…

Hôm 2/3, Công ty F88 cho biết đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương khoảng 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Đức Minh