Nhiều năm qua, thực trạng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ vài triệu đồng đã không còn gì xa lạ. Thậm chí hiện nay sự chênh lệch này đã lên tới hơn 18 triệu đồng/lượng nếu so giá vàng thế giới với giá vàng SJC. Khoảng cách giá giữa vàng của các thương hiệu trong nước và vàng SJC cũng từ 15-16 triệu đồng/lượng. Điều bất thường này có nguyên nhân là gì?

shutterstock 1069384970
Chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới đã lên tới 18 triệu đồng/lượng sáng ngày 8/3. (Ảnh minh họa: EamesBot/Shutterstock)

Theo ghi nhận của nhiều tờ báo trong nước, giá vàng sáng ngày 8/3 đã lên đến 74 triệu đồng/lượng. Theo báo Tuổi Trẻ, giá vàng thế giới hiện đang dao động quanh ngưỡng 1.988 USD/ounce, quy đổi tỷ giá cùng thời điểm chỉ khoảng 55,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, sáng ngày 8/3, một người ở Việt Nam phải bỏ ra nhiều hơn 18,6 triệu đồng (khoảng 688 đô la Mỹ) khi mua 1 lượng vàng 9999 (vàng 24k).

Tuy vậy, khi nhắc đến giá vàng trong nước, thông thường đều là đề cập đến vàng “SJC” chứ không phải tất cả các nhãn hiệu vàng trên thị trường.

Ở thị trường Việt Nam, cùng chất lượng vàng 24k nhưng vàng SJC luôn có mức giá mua bán cao hơn so với các loại vàng miếng của các thương hiệu khác.

Làm phép so sánh các thương hiệu vàng trong nước như: SJC, VRTL, PNJ,… sẽ dễ dàng thấy sự chênh lệch ở cùng một phân khúc vàng 24k.

Chiều ngày 8/3, trên website của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được mua vào với mức giá 71,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 73,65 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng 24k VRTL mua vào ở mức 55,97 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 57,42 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra giữa vàng VRTL và SJC là 15,53 triệu đồng/lượng – 16,23 triệu đồng/lượng.

Tương tự, trên website của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC được mua vào với mức giá 71,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 73,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng 24k PNJ mua vào ở mức 56,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 57 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra giữa vàng PNJ và SJC là 15,1 triệu đồng/lượng – 16,5 triệu đồng/lượng.

Khoản chênh lệch giá vàng giữa các thương hiệu như trên được cho là ở chữ “SJC”. Theo lý giải của Tạp chí Sài Gòn Đầu tư, chữ “SJC” đề cập đến ở đây chính là “nhãn hiệu SJC” do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC cao bất thường.

Điều này có thể được lý giải từ quan hệ cung – cầu, cái tên SJC đã trở thành thương hiệu vàng trong tâm trí người dân từ nhiều năm nay. Ông chủ thương hiệu vàng miếng SJC hiện nay chính là Ngân hàng Nhà nước. Năm 2012, khi nhận lại thương hiệu SJC từ UBND TP.HCM – chủ sở hữu Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước cam kết can thiệp thị trường vàng để chênh lệch giá vàng miếng SJC không tăng bất thường.

Tuy nhiên đã từ rất lâu, ổn định giá vàng không còn nằm trong chương trình nghị sự của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước chỉ điều hành tỷ giá USD chứ không điều hành giá vàng. Giá vàng là do các công ty kinh doanh vàng quyết định. Việc giá vàng SJC tăng hay giảm – công ty SJC từng sở hữu thương hiệu SJC và ngay Ngân hàng Nhà nước cũng chẳng hưởng lợi gì. Giá vàng SJC hiện nay là do giới kinh doanh vàng quyết định.

Nhưng với chính sách như hiện nay, các công ty dù có chục tấn vàng nguyên liệu cũng không có thêm miếng vàng SJC nào cho thị trường bởi Công ty SJC không còn quyền dập vàng miếng. Như vậy, số lượng vàng SJC là có giới hạn, khi nhu cầu tăng cao thì giá chắc chắn bị đẩy lên, vượt khỏi phạm vi thị trường vàng.

Theo ghi nhận của Trí Thức VN tại thời điểm 10h sáng ngày 8/3, chênh lệch giá mua-bán của vàng SJC là 2,2 triệu đồng/lượng, gấp 1,6 lần chênh lệch giá mua-bán của vàng miếng thông thường là 1,35 triệu đồng. Sang cuối giờ chiều 16h ngày 8/3, mức chênh lệch mua-bán của vàng SJC đẩy lên 2,65 triệu đồng, gấp 1,8 lần mức chênh lệch mua bán của vàng miếng khác.

Như vậy, mỗi lượng vàng SJC cửa hàng kinh doanh vàng hưởng lãi tới 2,65 triệu đồng. Còn người mua vàng thì chỉ có thể hưởng lãi nếu giá vàng tăng vượt mức chênh lệch giá mua giá bán (tương đương với 3-4%). Rất nhiều trường hợp, mặc dù giá vàng chung tăng lên nhưng người giữ vàng vẫn phải chịu lỗ bán đi vì giá mua vào của các cửa hàng vàng thấp hơn nhiều so với giá bán ra.

Có thể thấy giá vàng SJC bắt nhịp với chiều tăng của thế giới rất nhanh, nhưng khi vàng thế giới xuống thì vàng SJC đứng im hoặc xuống rất chậm, gần như thoát ly khỏi thị trường thế giới. Điều này giúp người giữ vàng SJC được đảm bảo độ an toàn nhất định. Nhờ đó, vàng SJC vẫn thu hút được một lượng lớn người đầu tư, mặc dù đã lệch rất xa khỏi trị giá đích thực rất nhiều. Tuy nhiên, người giữ vàng cũng cần nhận định tích trữ vàng hay tích trữ SJC để ra quyết định đầu tư của mình.

Theo nhận định của các chuyên gia, quan sát thị trường những ngày gần đây có thể thấy biên độ biến động giá rất rộng và hoàn toàn thoát ly biến động của giá vàng thế giới. Ví như ngày 7/3 hôm qua, giá vàng thế giới chỉ tăng 27 USD/ounce (khoảng 748.000 đồng/lượng) nhưng giá vàng SJC tăng đến gần 5 triệu đồng/lượng, từ khoảng 68 triệu đồng lên gần 73 triệu đồng/lượng.

Đức Minh