Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch diễn ra hai năm trước, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I/2022, khi GDP hàng năm giảm 1,4%. Dù vậy, các chỉ số về chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi tiềm ẩn.

Embed from Getty Images

Giới chuyên gia cho rằng, GDP đi xuống không đồng nghĩa Mỹ sắp rơi vào suy thoái. Rào cản tăng trưởng phần nào do nhập khẩu tăng vọt trong quý I, bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn cung tại Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu lên cao. Thâm hụt thương mại vì thế “đóng góp phần lớn vào việc GDP giảm”, Goldman Sachs cho biết.

Ông Mark Zandi – nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics nhận định với CNN: “Nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn giảm xuống.” GDP Mỹ được dự báo tăng trở lại trong quý II.

Mức chi tiêu ổn định phần nào phản ánh nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang có kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn gia tăng lạm phát. Chi tiêu cá nhân tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty cũng chi nhiều hơn cho máy móc, nhà xưởng và phần mềm. Đầu tư doanh nghiệp tăng vọt với 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ước tính của Bộ Thương mại hôm 28/4, tổng sản phẩm quốc nội của quý đầu tiên trong năm nay – tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của quốc gia – đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý 4/2021. Tính cả năm 2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7%, mức tăng theo năm cao nhất kể từ năm 1984.

Dù vậy, kinh tế Mỹ cũng đang phải đối mặt với không ít áp lực làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái. Lạm phát đang siết chặt các hộ gia đình khi giá khí đốt và thực phẩm tăng vọt, chi phí vay vốn cũng tăng lên, chưa kể đến việc nền kinh tế toàn cầu chao đảo bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và chính sách phong tỏa do COVID của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia đã dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2023 hoặc 2024.

Minh Ngọc (Theo AFP)