Thắt chặt ngân sách chính phủ, giảm thuế và hội nhập sâu rộng vào EU là những ưu tiên trong chính sách kinh tế sắp tới của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chiến thắng mang tính lịch sử này của phe ôn hoà đã phần nào xoa dịu thị trường Euro đang trong tình cảnh khốn khó. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là tạm thời, việc thực thi và tính hiệu quả của các chính sách này còn phụ thuộc vào số phiếu của đảng En Marche non trẻ của tân Tổng thống tại cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 6 sắp tới.

Ngày 7/5 vừa qua ông Emmanuel Macron đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai, trở thành Tổng thống trẻ nhất của nước Pháp với tỷ lệ phiếu bầu là 65,5% cách xa so với tỷ lệ 34,5% của bà Marien Le Pen thuộc Đảng Mặt trận quốc gia. Chiến thắng của ông Macron không nằm ngoài dự đoán, tuy nhiên chiến thắng này được coi là chiến thắng lịch sử bởi ông Macron mới thành lập đảng En Marche (Tiến lên) của mình trong vòng một năm, ông là một người trẻ tuổi, và giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, được xem là ít có kinh nghiệm chính trị. Sự thành công của ông không nhờ vào sự hậu thuẫn của đảng truyền thống nào.

Việc ông Macron giành thắng lợi trở thành Tổng thống Pháp, khiến giới đầu tư và nhiều lãnh đạo châu Âu thở phào, thị trường khởi sắc hơn với việc đồng EUR tăng nhẹ. Tuy nhiên các thị trường tài chính không có nhiều biến động so với kết quả cuộc bầu cử vòng 1, bởi vì về cơ bản kết quả này không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Các cuộc thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử vòng 1 luôn cho thấy khả năng giành chiến thắng của ông Macron trong vòng 2 luôn lớn hơn so với bà Marien Le Pen.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến thắng thuộc về bà Le Pen? Vì bà Le Pen thuộc phe cực hữu, muốn Pháp rời khỏi liên minh châu Âu. Vì vậy, một kịch bản được đự đoán là, châu Âu có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Đồng Euro có thể lao dốc, các thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm mạnh. Các chủ đề bàn luận tiếp theo sẽ là về sự tan rã của liên minh EU hay là Frexit (việc Pháp rời liên minh EU).

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc bầu cử tại trụ sở chiến dịch tranh cử ông Macron cam kết làm hết sức để xứng đáng với phiếu bầu, hứa chống lại nạn khủng bố ở Pháp và ở bất kỳ đâu. Để thực hiện lời hứa của mình, ông Macron đã đưa ra nhiều chính sách nhằm cải cách kinh tế, bao gồm có các chính sách cắt giảm chi tiêu chính phủ, cắt giảm thuế, kích thích sức mua của các hộ gia đình.

Về hoạt động đầu tư

Tăng cường các hoạt động đầu tư với ngân sách dự kiến cho các hoạt động này vào khoảng 50 triệu EUR. Trong đó 30 triệu EUR sẽ dành cho các dự án về môi trường sinh thái và giáo dục; 20 triệu EUR dành cho nông nghiệp, y tế, hiện đại hóa giao thông và quản lý hành chính.

Về chi tiêu ngân sách

Cắt giảm chi tiêu ngân sách chính phủ khoảng 60 triệu EUR. Trong đó, 36 triệu EUR cắt giảm được sẽ dành cho việc làm giảm thâm hụt ngân sách cơ cấu (structural deficit). Mục tiêu của ông Macron là giảm thâm hụt ngân sách 0.5% GDP dự tính vào cuối nhiệm kỳ, phù hợp với quy tắc tài chính của liên minh châu Âu. Giảm lực lượng nhân viên chính phủ.

Các khoản cắt giảm khác bao gồm giảm tốc độ tăng chi phí y tế, giảm trợ cấp thất nghiệp.

Ông Macron cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 7% từ mức 10% như hiện nay vào năm 2022, thông qua việc nới lỏng các quy định để tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển, cho phép các chủ công ty và người làm công được thỏa thuận mức lương và giờ làm. Cắt giảm trợ cấp thất nghiệp cho cá nhân nếu người đó 2 lần từ chối công việc được đề nghị. Theo đó trợ cấp thất nghiệp được dự đoán sẽ giảm xuống khi khi có thêm nhiều việc làm được tạo ra. Tăng tuổi nghỉ hưu trong khu vực công. Thay đổi chính sách nghỉ ốm, dự tính tiết kiệm khoảng 170 triệu EUR. Ngoài ra ông Macron dự kiến ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm từ 5-10 tỷ EUR.

Chính sách về thuế

Cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 33,3% xống còn 25%, giảm thuế tài sản cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Cắt giảm các khoản trợ cấp thất nghiệp và y tế mà doanh nghiệp phải đóng. Tuy nhiên tăng trợ cấp cho người già và người tàn tật. Các khoản thiếu hụt do cắt giảm thuế và tăng trợ cấp cho một số đối tượng được bù đắp từ nguồn ngân sách tiết kiệm được và khoản đóng góp xã hội của các công ty tăng lên trong 5 năm.

Chính sách đối với liên minh châu Âu

Ông Macron ủng hộ việc hội nhập sâu hơn vào liên minh này, đề xuất kiến tạo một nghị viện, chính phủ và ngân sách chung châu Âu. Ông lên kế hoạch công du tới các quốc gia trong liên minh vào mùa hè này để bàn về việc xây dựng kế hoạch 5 năm cho ngân sách chung của khu vực.

Có thể nói, chiến thắng của ông Macron mới chỉ là bước khởi đầu 5 năm cho một đảng còn non trẻ. Ít nhất trong thời điểm hiện tại, chiến thắng này sẽ giúp châu Âu củng cố niềm tin về sự ổn định chính trị trong khu vực, mang lại triển vọng kinh tế tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực ảm đảm cộng với sự ra đi của nước Anh khiến khu vực này rơi sâu vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, nền kinh tế Pháp và sau đó là châu Âu sẽ vực dậy như thế nào còn tùy thuộc vào các quyết sách và các chương trình thực hiện của ông Macron. Khó khăn trước mắt là cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 6 tới. Tuy thắng lợi của ông Macron là thành công mang tính lịch sử, song vấn đề đặt ra là đảng En Marche của ông có đạt được đa số phiếu bầu hay không trong cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng tới, với vòng đầu tiên là vào ngày 11 tháng 6 và vòng hai là vào ngày 18 tháng 6. Nếu không giành được đa số phiếu, ông sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh và điều đó sẽ khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách cải cách kinh tế. Tuy vậy. giới quan sát nhận định ông sẽ có nhiều cơ hội trong cuộc bỏ phiếu Nghị viện vào tháng 6 này.

Liên Hương

Xem thêm: