Tại Washington, trong hai ngày 10 và 11/10 giới chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đã xúc tiến đàm phán thương mại, nhiều nhà quan sát bi quan về triển vọng có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai bên. Nhưng ngay thời điểm này cũng đã xuất hiện nhiều thông tin về tình hình “suy sụp” của nền kinh tế Trung Quốc.

Thương chiến Mỹ - Trung, Chiến tranh thương mại
Nhiều chuyên gia bi quan về kết quả đàm phán thương mại Trung – Mỹ. (Ảnh: Corona Borealis Studio/Shutterstock)

Hôm 9/10 hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Trung Quốc cho biết, kỳ vọng của Bắc Kinh về đàm phán thương mại với Mỹ đã sụt giảm đáng kể, đặc biệt rất thất vọng trước động thái Mỹ đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Quan chức này nói rằng mặc dù về mặt lý thuyết Bắc Kinh muốn sớm chấm dứt chiến tranh thương mại, nhưng trong ngắn hạn các quan chức tham gia đàm phán không lạc quan về bất kỳ thỏa thuận nào với Washington.

Ngày 10-11/10, tại Washington, Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục đàm phán thương mại cấp cao. Theo Bloomberg, mặc dù triển vọng cho một thỏa thuận toàn diện là không lạc quan, nhưng Trung Quốc vẫn luôn hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại ở mức độ nhất định nào đó để Mỹ không tiếp tục đánh thuế.

Tờ SCMP (South China Morning Post) dẫn nguồn tin cho biết, trước đó Hội nghị cấp Thứ trưởng Mỹ – Trung không thành công, Trung Quốc từ chối đàm phán về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc là ông Lưu Hạc muốn rút ngắn thời gian hội đàm tại Washington chỉ còn diễn ra trong một ngày. Một quan chức Nhà Trắng nói: “Hiện chúng tôi không biết kế hoạch du lịch của Phó Thủ tướng có bất cứ thay đổi gì.”

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump vẫn lạc quan, ông chia sẻ với các phóng viên ở Washington: “Nếu chúng ta có thể đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận, cơ hội thực sự rất lớn”; “Tôi nhận thấy, Trung Quốc còn kỳ vọng hiệp thương thành công nhiều hơn tôi.”

Một lần nữa ông Trump nhắc lại rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc không tốt, thất nghiệp gia tăng, chuỗi cung ứng “tê liệt”, còn Mỹ đã thu được rất nhiều thuế quan, tình hình kinh tế rất tốt, ở vị trí thuận lợi hơn.

Ông Trump đã diễn tả chính xác thực trạng nền kinh tế Trung Quốc, hiện nay lợi nhuận của doanh giới công nghiệp Trung Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng. Thống kê chính thức mới nhất cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hà Bắc, Quảng Đông đã giảm đến mức báo động đỏ, trong đó Thượng Hải giảm gần 20% so với năm ngoái. Dữ liệu lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong quý Ba cho thấy, các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, số lượng và giá bán đều giảm ở mức hai chữ số so với quý trước.

Theo thống kê mới nhất của Cục Thống kê tỉnh Chiết Giang, từ tháng 1 – 8, lợi nhuận của doanh giới sản xuất công nghiệp mức chuẩn quy mô trở lên (doanh thu từ 20 triệu Nhân dân tệ/năm trở lên) tại Chiết Giang chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức trung bình trên toàn quốc giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, có nơi bị âm. Cụ thể tiêu biểu như Bắc Kinh giảm 14,4%, Thiên Tân giảm 5,8%, Hà Bắc giảm 11,2%, Giang Tô giảm 3,5%, Sơn Đông giảm 13%, tỉnh xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Quảng Đông cũng giảm 0,4%; còn Thượng Hải, khu vực có địa vị quan trọng hàng đầu về tài chính, thương mại và vận tải, giảm gần hai lần thành mức âm 19,6%.

Số liệu thống kê này hiện đã không còn xuất hiện trên trang thông tin trực tuyến của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 27/9, trong tháng 8, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp mức chuẩn quy mô trở lên đã giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1 – 8, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp mức chuẩn quy mô trở lên trên toàn quốc giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hôm 10/10, Đài RFA dẫn ý kiến của một người làm việc tại doanh nghiệp tư nhân ở Giang Tô cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chiết Giang luôn cao hơn mức trung bình toàn quốc, còn tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp cao hơn đáng kể so với các tỉnh khác, nhưng cũng xuất hiện tăng trưởng thấp, cho thấy nền kinh tế chung của Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn: “Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nhanh, vấn đề này có hai lý do. Một là chính sách mở cửa kinh tế trong nước của Trung Quốc không phù hợp với hệ thống chính trị. Điều này khiến việc suy thoái kinh tế trong nước chỉ là vấn đề sớm hay muộn, không hoàn toàn liên quan đến thương mại Trung-Mỹ. Lý do thứ hai cho suy thoái kinh tế của Trung Quốc là con đường kinh tế mở của Trung Quốc chủ yếu là do chiến lược chính trị, điều này cũng đối nghịch với chuẩn mực thương mại quốc gia.”

Chuyên gia này cho rằng chỉ khi nào Trung Quốc mở cửa thị trường một cách triệt để và thực hiện cải cách mang tính cơ cấu đối với bộ máy doanh nghiệp nhà nước thì mới là lối thoát cơ bản: “Cách duy nhất là cải cách hệ thống chính trị, tức là vấn đề hiện nay Mỹ đang chờ đợi ở Trung Quốc, chỉ có như vậy mới chuyển đổi được cục diện suy thoái nền kinh tế.”

Ông Lăng, người dân ở Giang Tô chia sẻ lo lắng về tương lai: “Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng leo thang khiến những lợi thế của đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc không còn nữa. Về phía người tiêu dùng, do hệ thống bảo hiểm xã hội suy thoái, đa số người dân thường lo ngại trước bốn vấn đề dân sinh là nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế, dưỡng lão, vì vậy đa số mọi người dù có tiền cũng rất hạn chế chi tiêu. Do đó hoạt động tiêu dùng đã không giúp thúc đẩy cải thiện tăng trưởng kinh tế trong nước.”

Cùng với việc các công ty nước ngoài không ngừng thoái vốn, đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc là khu vực tam giác sông Dương Tử cũng dần rệu rã. Vì 60% -70% sản lượng công nghiệp và xuất khẩu ở khu vực tam giác sông Dương Tử đến từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, và 60% doanh nghiệp tư nhân trong khu vực này ăn theo các doanh nghiệp có vốn nước ngoài này, tồn tại dựa vào chuỗi sản xuất công nghiệp có vốn nước ngoài, hoặc mua lại sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này để tự kinh doanh xuất khẩu.

Một khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này thoái vốn, không chỉ hoạt động xuất khẩu mà cả vấn đề việc làm do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài này đóng góp sẽ sụt giảm nhanh chóng, kéo theo cả các doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi công nghiệp này cũng sẽ sụp theo. Đến lúc đó, toàn bộ vùng kinh tế tam giác sông Dương Tử sẽ sụp đổ, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ đối diện với thảm cảnh.

Huệ Anh

Xem thêm: