Lo ngại kinh tế thế giới suy thoái vào cuối năm đã giáng một đòn vào giá dầu thế giới, khiến mặt hàng này xuống mức thấp nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2.

giá dầu thế giới giảm giá dầu WTI Brent Oil dầu Brent 1756083293
Thị trường dầu thô phản ứng nhạy cảm với thông tin xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh họa: FOTOGRIN/Shutterstock)

Theo đó, giá dầu thô Brent kỳ hạn đã giảm 2,66 USD, tương đương 2,75%, xuống còn 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2.

Còn giá dầu thô WTI giao sau giảm 2,34 USD, tương đương 2,12%, lao dốc còn 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.

Đợt bán tháo mặt hàng năng lượng này vào hôm thứ Năm (4/8) diễn ra sau khi Mỹ tăng dự trữ dầu thô vào tuần trước.

Triển vọng nhu cầu vẫn tối tăm bởi những lo ngại ngày càng tăng về sự sụt giảm kinh tế ở Mỹ và châu Âu, tình trạng nợ nần chồng chất ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt ở Trung Quốc.

Giá dầu thô sụt giảm ngược lại có thể là một sự cứu trợ cho giá tiêu dùng ở Mỹ và các quốc gia châu Âu khác, trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở các quốc gia này.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda ở London cho biết: “Nhưng cuộc nói chuyện về suy thoái đang trở nên ồn ào hơn và nếu nó trở thành hiện thực, điều này có thể sẽ giải quyết một số sự mất cân bằng”.

Ông Erlam cho rằng việc phá vỡ ngưỡng giá 90 USD/thùng đã trở nên hiện hữu và đáng chú ý khi thị trường phản ứng nhạy cảm với thông tin nền kinh tế.

Faisal A. Hersi, nhà phân tích năng lượng tại Edward Jones, cho biết: “Động lực lớn nhất của sự sụt giảm này thực sự là việc các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý của họ sang khả năng xảy ra suy thoái và điều đó có thể tác động đến nhu cầu như thế nào”.

Ông Hersi cho biết lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm hơn nữa, đẩy giá xuống thấp hơn.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất vào thứ Năm và cảnh báo về rủi ro suy thoái kinh tế.

Trong khi nhu cầu thấp, một thỏa thuận OPEC+ vào thứ Tư để tăng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng mỗi ngày trong tháng 9, tương đương với 0,1% nhu cầu toàn cầu, được một số nhà phân tích coi là động lực giảm giá đối với thị trường.

Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út và UAE cũng sẵn sàng cung cấp “sự gia tăng đáng kể” sản lượng dầu nếu thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung nghiêm trọng vào mùa đông này.

Giá dầu hồi đầu năm nay đã gia tăng đột ngột lên hơn 120 USD/thùng bởi sự cộng hưởng từ nhu cầu toàn cầu gia tăng sau đại dịch COVID-19 và nguồn cung bị đe dọa khi Nga bắt đầu chiến dịch xâm lược vào Ukraine.

Đức Minh (t/h)