Trung Quốc nổi lên với vai trò là người mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG lớn nhất, đứng thứ hai là Nhật Bản. Mới đây, Tập đoàn năng lượng Sinopec (Trung Quốc) đạt thỏa thuận 27 năm với QatarEnergy để mua 4 triệu tấn LNG mỗi năm.

tau cho khi LNG khi LNG trung quoc 649443781
Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên LNG lớn nhất thị trường toàn cầu. (Ảnh minh họa: Vytautas Kielaitis/Shutterstock)

Tập đoàn năng lượng lớn Sinopec của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận 27 năm với QatarEnergy vào cuối năm 2022 để mua 4 triệu tấn LNG mỗi năm. Việc nhập khẩu sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2026. Theo đó, Trung Quốc cũng chiếm 40% các hợp đồng LNG dài hạn gần đây trong số các công ty toàn cầu.

Bên cạnh đó, một công ty năng lượng khác của Trung Quốc – ENN Group đã ký hợp đồng vào năm ngoái với Energy Transfer có trụ sở tại Texas để mua 2,7 triệu tấn LNG hàng năm trong 20 năm. Đồng thời, ENN đã tăng thỏa thuận mua hàng với NextDecade, cũng có trụ sở chính tại Texas, lên 2 triệu tấn mỗi năm trong 20 năm.

Trong năm 2021 và 2022, Trung Quốc đã đóng các hợp đồng mua LNG dài hạn trị giá gần 50 triệu tấn mỗi năm, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu châu Âu Rystad Energy.

Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần quy mô mua hàng thông qua các hợp đồng dài hạn chỉ trong 2 năm, tăng từ khối lượng hàng năm khoảng 16 triệu tấn từ năm 2015 đến năm 2020.

Trong năm 2020 – 2021, giao dịch giao ngay chiếm 40% – 50% nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với ước tính 30% của Nhật Bản.

Nhưng Trung Quốc dường như đã thay đổi chiến lược để phù hợp với nhu cầu dài hạn. Hợp đồng dài hạn mang lại sự ổn định hơn về nguồn cung so với hợp đồng giao ngay.

Năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Nhưng năm ngoái, nhập khẩu dường như đã giảm 18% xuống còn khoảng 65 triệu tấn do sự sụp đổ kinh tế của đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản dự đoán nhu cầu LNG hàng năm trên toàn thế giới sẽ đạt 488 triệu tấn vào năm 2030, tăng khoảng 40% so với năm 2020. Nhưng nguồn cung toàn cầu đang trên đà thiếu hụt nhu cầu 7,6 triệu tấn mỗi tháng vào năm 2025.

Đội ngũ Trung Quốc đang giải quyết nguy cơ bị cắt khỏi chuỗi cung ứng LNG vào thời điểm Mỹ và các đồng minh nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng không có Trung Quốc cho chất bán dẫn. Hợp đồng dài hạn được coi là một hàng rào chống lại sự gián đoạn như vậy.

Mỹ đã là nhà cung cấp LNG lớn nhất của Trung Quốc dựa trên các hợp đồng dài hạn. Bắc Kinh đã áp thuế 25% đối với LNG do Mỹ sản xuất vào năm 2019 trong cuộc chiến thương mại, sau đó bắt đầu ban hành miễn trừ thuế vào năm 2020. Kể từ năm 2021, các công ty Trung Quốc và Mỹ đã ký một loạt các thỏa thuận LNG khổng lồ.

Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 90 triệu tấn LNG thông qua các hợp đồng dài hạn, với Mỹ chịu trách nhiệm khoảng 25 triệu tấn. Tiếp theo là Úc với khoảng 17 triệu tấn, trong khi Trung Đông cung cấp 14 triệu tấn và Nga đóng góp khoảng 6 triệu.

Trung Quốc “sẵn sàng mở rộng hợp tác với Qatar trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên và các lĩnh vực năng lượng truyền thống khác”, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong cuộc họp hồi tháng 12 với Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út.

Bắc Kinh đang cẩn thận đa dạng hóa các nhà cung cấp dưới danh nghĩa an ninh năng lượng. Ngoài LNG do tàu chở dầu, Trung Quốc còn đưa khí đốt tự nhiên vào thông qua các đường ống. Trung Quốc chỉ đáp ứng hơn một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên thông qua sản lượng trong nước, và phần còn lại đến từ Nga và Turkmenistan. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên được bổ sung bằng LNG từ Mỹ và các nguồn khác.

Tuấn Minh, theo Nikkei