Hôm 20/4 vừa qua, Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát năm của nước này đã lên đến mức 17,62% tính đến ngày 15/4, mức cao nhất kể từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó, với lý do đồng RUBLE biến động khiến cho giá cả tăng vọt trong bối cảnh quốc gia này bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hồi tháng 2.

lạm phát
(Ảnh minh họa: Sergey Chayko/Shutterstock)

Cụ thể, giá cả hầu hết mặt hàng, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây sau khi Nga tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) ngày 20/4 chỉ ra rằng lạm phát tuần ở Nga đã chậm lại sau khi tăng mạnh trong vài tuần qua, qua đó giúp Ngân hàng Trung ương Nga có lý do để xem xét cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ban lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới đây.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt từ 17% tại các cuộc họp ban lãnh đạo sắp tới và sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát bằng mọi phương cách. Nga đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%/năm.

Theo Rosstat, lạm phát tuần ở Nga giảm xuống 0,2% trong tuần tính đến ngày 15/4, từ mức 0,66% một tuần trước đó, đưa mức tăng giá tiêu dùng hàng năm lên 11,05%. Vào thời điểm cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tăng 2,72%.

Hồi tuần trước, Viện trưởng Viện Kiểm toán Nga Alexei Kudrin cho hay rằng lạm phát tại Nga có thể ở mức từ 17%-20% trong năm nay. Cuối tháng trước, các nhà phân tích đã dự báo mức lạm phát trung bình năm 2022 của Nga có thể lên tới 23,7%, mức cao nhất kể từ năm 1999.

Hôm 8/4, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận rằng giá cả và lạm phát tăng do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động đến người dân nước này.

Theo Reuters,

Phan Anh