“Work – Life balance” là một thuật ngữ khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Mỗi ngày dường như chúng ta luôn phải lựa chọn ưu tiên công việc hay cuộc sống gia đình, vậy làm thế nào có đủ thời gian vui chơi cùng gia đình và tham dự những cuộc họp tại công ty?

shutterstock 573900865
Ảnh minh họa: docstockmedia / Shutterstock

Đối với giới doanh nhân, việc lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình không phải là điều mới mẻ. Ngày nay, những nhà lãnh đạo trẻ thường muốn phát triển cả sự nghiệp và cân bằng cuộc sống gia đình. Điều đó là một thử thách không nhỏ trong môi trường sống tất bật.

Nếu bạn là một CEO và là một người cha, có phải bạn cần phải hy sinh cuộc sống gia đình để đổi lấy sự nghiệp thành công? Không hẳn như vậy, bởi vì thực tế bạn có thể chăm sóc cho cuộc sống gia đình và đồng thời từng bước phát triển sự nghiệp của mình. Sau đây là 5 thói quen hiệu quả giúp bạn cân bằng giữa hai vai trò doanh nhân thành đạt và người cha tốt.

Thức dậy thật sớm

Điều này nghe có vẻ khá quen thuộc và đơn giản, nhưng đây chính là thói quen rất quan trọng giúp cuộc sống của bạn thành công. Với việc thức dậy sớm mỗi ngày, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để hoàn thành một vài công việc ưu tiên trong ngày trong khi những đứa trẻ vẫn còn say giấc, từ đó bạn sẽ bắt đầu một ngày hoàn toàn chủ động.

Nếu như bạn chủ động dậy sớm và hoàn thành một vài việc quan trọng ở văn phòng, như thế bạn sẽ có thêm thời gian vào buổi sáng để ăn uống cùng con cái, chia sẻ những việc trong ngày với người bạn đời của mình. Bên cạnh đó, khoảng thời gian buổi sáng là rất tốt cho việc tập trung và tốt cho sức khỏe nếu luyện tập thể dục hay thiền định.

id13291054 large practicing2lr 600x450 1
Nghệ thuật gia Gregory Grozos đang luyện bài thiền định của Pháp Luân Công (Ảnh: Ông Gregory Grozos cung cấp)

“Hòa quyện” giữa công việc và cuộc sống

Bạn sẽ thường xuyên nghe được thuật ngữ “work-life balance” trong môi trường làm việc ngày nay. Tuy vậy, nhiều người nghĩ rằng đây là hai yếu tố có xu hướng “cạnh tranh” lẫn nhau. Điều này không hoàn toàn đúng, bạn có thể tư duy và thực hành theo một chiều hướng khác, đó là “work-life integration”, nghĩa là công việc và cuộc sống của bạn là sự kết nối và hòa quyện, nó không tồn tại riêng lẻ, nó không phải là việc lựa chọn cái này thì sẽ mất cái kia. Đây là một cách tư duy và nhận thức mới mẻ, nó giúp bạn giảm bớt việc tự tạo áp lực cho bản thân và luôn đặt mình vào trạng thái lựa chọn căng thẳng.

Kết nối giữa cuộc sống gia đình và sự nghiệp liên quan đến tính cách mỗi cá nhân và trách nhiệm ở mỗi hoàn cảnh. Lấy ví dụ đơn giản cho sự hòa hợp này, những đồng nghiệp có thể trở thành những người bạn, kế đến có thể trở thành người thân (bạn thân) và thậm chí trở thành một mối quan hệ thân thiết như gia đình của bạn. Vậy thì bạn sẽ rất vui vẻ khi họp với người vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn thân. Điều này trên thực tế rất hay xảy ra.

shutterstock 478518385
(Ảnh minh họa: Andreas Saldavs / Shutterstock)

“Khóa” thời gian dành cho gia đình

Thông thường, đối với công việc, bạn sẽ luôn có những cuộc gặp hằng ngày, họp phòng ban và những buổi họp mặt toàn công ty. Vậy còn đối với cuộc sống gia đình thì sao? Bạn cũng nên đối đãi tương tự như vậy. Ví dụ, buổi tối sau khi hoàn thành công việc và về nhà, đây là thời gian “họp” dành cho gia đình, bạn có thể tắt chuông điện thoại hoặc tắt máy (nếu được) và dành trọn vẹn thời gian đó với gia đình. Điều này cũng giống như trong cuộc họp, bạn không nên bị làm phiền bởi những tiếng chuông báo email, tin nhắn, thông báo từ mạng xã hội, v.v.

Khi bạn là một doanh nhân, công việc sẽ không lúc nào “dừng lại”. Vì vậy, không nên tham công tiếc việc, khi bạn dành thời gian bên cạnh những người thân yêu, bạn có cơ hội tạm thời “ngắt kết nối” với công việc, điều đó giúp bạn bổ sung lại năng lượng và giúp gia đình luôn cảm thấy sự quan tâm đến từ bạn.

Lãnh đạo “thông qua” những lãnh đạo khác

Những doanh nhân thành công đều công nhận rằng họ không thể nào “ôm” hết mọi việc, ví dụ như xuất hiện vào những buổi họp dành cho nhân viên mới, gặp gỡ mọi khách hàng hay đến dự tất cả những buổi ký kết hợp đồng mới. Khi công ty của bạn ngày càng phát triển, bạn bắt buộc phải xây dựng những đội ngũ làm việc độc lập và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, bạn sẽ không lãnh đạo toàn bộ nhân viên mà sẽ lãnh đạo “thông qua” những người lãnh đạo dưới mình.

Đặt ra những kỳ vọng và ranh giới rõ ràng

Không có gì là tuyệt đối, vì vậy có những thời điểm bạn sẽ phải cân nhắc “đánh đổi” giữa công việc và gia đình. Nghĩa là rất có thể bạn sẽ bỏ qua vài kỳ nghỉ cuối tuần, những trận bóng đá sôi động hoặc ngược lại là bỏ lỡ những cuộc họp tại công ty. Mục tiêu của việc đặt ra kỳ vọng và ranh giới là để hạn chế nhiều nhất có thể tình huống “đánh đổi” như trên.

Với mỗi trường hợp cụ thể, bạn nên truyền đạt cho nhân viên hay những người thân trong gia đình về những khả năng có thể xảy ra. Việc này giúp những người xung quanh bạn hiểu được tình huống mà bạn đang đối mặt và thiết lập những kỳ vọng rõ ràng. Nếu có xảy ra sự việc không mong muốn, họ có thể thông cảm cho bạn và mọi việc sẽ không bị đẩy đi quá xa.

Quang Minh, theo Entrepreneur

Xem thêm: