Mỹ đã bắt đầu thực thi “Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” (Uyghur Forced Labor Prevention Act, UFLPA) (có hiệu lực từ ngày 21/6). Tác động của đạo luật này đối với các ngành công nghiệp bông và polysilicon của Tân Cương chứng tỏ rằng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có sức ảnh hưởng to lớn, nhưng đồng thời cũng có hạn chế.

shutterstock 1277791078
Công nhân nhà máy dệt bông Tân Cương (Ảnh: Epel/ Shutterstock)

Chính phủ Mỹ cho biết, cả hai ngành công nghiệp bông và polysilicon ở Tân Cương đều bị nghi ngờ tồn tại vấn đề lao động cưỡng bức. Đạo luật “Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” yêu cầu các nhà nhập khẩu Mỹ chứng minh rằng các mặt hàng từ Tân Cương không được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, nhiều công ty kiểm toán phương Tây đã ngừng điều tra lao động cưỡng bức ở Tân Cương, các hạn chế của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người ngoài vào Tân Cương cũng đã gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đưa tin, rằng hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung, và nhiều người bị ngược đãi như lao động cưỡng bức, v.v.

Hiện tại, Đạo luật “Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp bông vải của Tân Cương, đồng thời cũng ảnh hưởng liên đới đến ngành dệt may khổng lồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, polysilicon, một vật liệu quan trọng được sử dụng để chế tạo các tấm pin mặt trời, thì ít bị ảnh hưởng hơn.

Khoảng 90% bông của Trung Quốc, chiếm khoảng 25% sản lượng toàn cầu, được sản xuất ở Tân Cương. Vào đầu năm 2022, giá bông kỳ hạn Trung Quốc thấp hơn một cách hiếm thấy so với giá bông kỳ hạn New York, chủ yếu do doanh số bông Tân Cương giảm mạnh. Dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Bông Dự trữ Trung ương (Trung Quốc) cho thấy, kể từ đầu năm nay (tính đến giữa tháng 6), doanh số bán bông xơ Tân Cương đã giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Mỹ và phương Tây là những khách hàng lớn đối với hàng may mặc xuất khẩu của Trung Quốc, một số lệnh trừng phạt và lệnh cấm đối với hàng nhập khẩu liên quan đến Tân Cương đã có kết quả. Từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2022, Mỹ chiếm 22% trong tổng số 106 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc. Nếu các nhà máy dệt Trung Quốc muốn giữ khách hàng phương Tây, họ chỉ có thể từ bỏ bông Tân Cương.

Một tác động khác là giá xơ polyester ở Trung Quốc tăng mạnh.

Trong khi đó, Polysilicon thì khác. Theo báo cáo của Ngân hàng BNP Paribas của Pháp, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ sản xuất gần 80% polysilicon trên thế giới, nhưng chưa đến 2% sản phẩm quang điện xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm. Trung Quốc hiện là thị trường tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và giá polysilicon của Trung Quốc vẫn liên tiếp đang đạt mức cao mới.

Mỹ hiện đang rất cần các tấm pin mặt trời, vào tháng 6, chính quyền Biden đã phê duyệt miễn thuế nhập khẩu tấm pin mặt trời từ 4 quốc gia Đông Nam Á trong hai năm.