Một số sản phẩm Pate Minh Chay được xác định chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B, có độc lực rất mạnh, gây giãn đồng tử, liệt cơ gây khó nuốt, khó nói, khó thở, tứ chi yếu… Nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

pate minh chay 1
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm pate Minh Chay. (Ảnh: minhchay.com)

Đơn vị kinh doanh sản phẩm Pate Minh Chay vừa phát đi thông báo chính thức về sản phẩm có độc tố cực mạnh này. Công ty này khuyến cáo “khách hàng mua sản phẩm pate có ngày sản xuất từ 1/7/2020 đến 28/8/2020 phải dừng ăn ngay lập tức, cách ly pate đó với các thực phẩm khác“.

Ngoài việc thông báo dừng ăn, để cách xa với các thực phẩm khác, công ty này cho biết sẽ liên hệ khách hàng để thu hồi sớm nhất, nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể. “Nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường, vui lòng đến cơ sở y tế gần nhất… Chân thành xin lỗi quý khách“, thông báo viết.

Trong thông báo, công ty này chưa đưa ra phương án bồi thường phù hợp đối với các mức thiệt hại của khách hàng, cũng như giải thích về sự cố vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng này.

pate minh chay
Thông báo khuyến cáo DỪNG ĂN NGAY LẬP TỨC sản phẩm pate của Minh Chay trên website của công ty. (Ảnh chụp màn hình: minhchay.com)

Chiều 29/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát cảnh báo khẩn cấp đối với sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Theo cơ quan của Bộ Y tế, từ ngày 13/7 đến 18/8/2020, đã có 9 bệnh nhân nhập viện điều trị với các triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…  sau khi sử dụng sản phẩm này.

9 bệnh nhân đến từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước, đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (2 ca).

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm Pate Minh Chay của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm thông báo khẩn cấp, yêu cầu người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.

Những người đã sử dụng các sản phẩm trên nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.

Vi khuẩn Clostridium botulinum type B độc như thế nào?

Theo mô tả của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vi khuẩn Clostridium Botulinum gồm 6 type: A, B, C, D, E, F, trong đó các típ A, B, E có khả năng gây bệnh cho người. Ngoại độc tố của C. botulinum cực độc, là tác nhân gây bệnh của vi khuẩn (vài phần triệu gam – nano gram đủ để gây bệnh).

Vi khuẩn C. botulinum có khả năng sống sót cao, tồn tại trong đất, nước, rác, phân, bùn trên động vật, hải sản, đồ hộp… nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói… nhiều tuần.

Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Vi khuẩn bị diệt ở 60oC trong 30 phút bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút.

Người bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum có thời gian ủ bệnh thường ngắn: từ vài giờ tới 24h (với thức ăn có sẵn độc tố); 3 – 5 ngày (thức ăn có nha bào C.botulinum).

Tình trạng nhiễm độc khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân.

Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng; không sốt, không có hội chứng màng não; người bệnh tỉnh  táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Quy định về bồi thường do ngộ độc thực phẩm

Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Về quy định bồi thường thiệt hại, Khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 nêu: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. 

Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và Điều 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Các thiệt hại bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, bên gây hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị tổn hại phải gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở).

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Người tiêu dùng cần lưu giữ các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ cần thiết để chứng minh thiệt hại. Nếu 2 bên không đạt được thì sẽ đưa ra tòa phân xử.

Nguyễn Quân

Xem thêm: