Truyền thông trong nước đưa tin, một doanh nghiệp xăng dầu ở TP.HCM gửi văn bản lên Sở Công thương TP.HCM hôm 5/10, cho biết không có nguồn cung hàng để duy trì việc bán hàng trong thời gian tới, do vậy có thể tạm ngừng 17 cửa hàng, 36 đại lý trong hệ thống của doanh nghiệp này.

gia xang dau ban le 1
Thời gian gần đây, nhiều cây xăng đóng cửa vì chiết khấu thấp bên cạnh nguồn cung bất ổn khiến thị trường xăng dầu có nhiều biến động. (Ảnh minh họa: Charnpui/Shutterstock)

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (CAGICO) cho biết gần đây thị trường trong nước diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn. Các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng cho doanh nghiệp, theo báo Tuổi Trẻ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này chỉ là thương nhân phân phối nên không thể nhập khẩu xăng dầu, phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình.

CAGIGO cho hay: “Công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Được biết, hệ thống CADIGO có 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý, trong đó có một vài cửa hàng ở ngoài khu vực TP.HCM.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, văn bản này của CAGIGO chỉ là văn bản thông báo tình hình nguồn cung và cung ứng hàng hóa, chưa phải là văn bản xin tạm ngưng hoạt động, phía cơ quan quản lý sẽ xác minh tình hình nhập xăng dầu của doanh nghiệp.

Theo nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng xăng dầu muốn ngừng bán phải thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán hàng gửi Sở Công Thương, ghi rõ lý do ngừng bán hàng. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

Với các trường hợp này, Sở Công Thương đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày theo quy định, có những trường hợp chỉ chấp thuận ngưng từ 15 – 20 ngày.

Nhiều cây xăng ở miền Tây đóng cửa vì thua lỗ vài trăm triệu mỗi tháng

Tại Đồng Tháp, trong tháng 9, tình trạng nhiều người phải dắt bộ xe máy, năn nỉ cửa hàng bán, thậm chí có lời lẽ “nặng nhẹ”… nhưng vẫn không mua được xăng vì cửa hàng đóng cửa. Sở Công Thương Đồng Tháp trước đó cũng nhận hàng chục đơn xin tạm dừng hoạt động, nghỉ phép, theo báo Vnexpress.

Tương tự, nhiều người dân miền Tây cho biết việc phải chạy xa hơn từ vài km đến hàng chục km để tìm được chỗ đổ xăng, đổ dầu như trường hợp ông Lê nói trên là không hiếm vào thời điểm này.

Trường hợp cần mua lượng dầu lớn để sản xuất nông nghiệp như ông Nguyễn Văn Dũng (huyện Phú Tân, An Giang) lại càng khốn khổ hơn. Theo ông Dũng, nhiều cây xăng ở khu vực xã Phú An (huyện Phú Tân) đã nghỉ bán trong nhiều ngày qua nên người dân gặp khó khăn khi mua xăng dầu phục vụ nông nghiệp.

Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh xăng dầu, trong đó tháng 9 có 10 doanh nghiệp. Lý do đưa ra là kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, đi ăn đám giỗ, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng, v.v…

Một lãnh đạo Công ty một thành viên Xăng dầu An Giang (Petrolimex) cho hay do hoa hồng rất thấp, thậm chí còn 0 đồng, các doanh nghiệp xăng dầu gặp nhiều khó khăn.

“Vì chúng tôi thua lỗ, làm gì có đủ nguồn lực giúp các doanh nghiệp xăng dầu. Phải cân đối được nguồn hàng trong nước hay nhập khẩu, đồng thời tính toán lại thuế, phí… cho phù hợp. Khi đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ kinh doanh có hiệu quả và có nguồn lực đưa xuống cho các kênh phân phối trung gian, hệ thống bán lẻ và phân phối xăng dầu” – vị này nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết không những lỗ vì chiết khấu 0 đồng, cây xăng còn bị cộng thêm cước vận chuyển, thêm vào chi phí bán hàng của cửa hàng,… khiến lỗ chồng lỗ.

Đức Minh