Truyền thông trong nước đưa tin, Công ty Chứng khoán (CTCK) Tân Việt thông báo có 5 doanh nghiệp chấp nhận mua lại trái phiếu trước hạn với tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

trai phieu bat dong san dan dau quy 1 2022 trai phieu BDS nhieu rui ro
Bộ Tài chính cho biết riêng trong năm 2022, có tới gần 144.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tới thời gian đáo hạn. (Ảnh minh họa: moc.gov.vn)

Theo đó, Công ty cổ phần (CTCP) Hưng Thịnh Land dự kiến sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 (đáo hạn ngày 28/12/2023).

Thời gian dự kiến mua bắt đầu vào ngày 24/11/2022 và hoàn thành mua lại trong 30 ngày kể từ ngày bắt đầu mua. Lô trái phiếu này của Hưng Thịnh Land có giá trị 400 tỷ đồng.

Phương thức mua lại trực tiếp từ người sở hữu trái phiếu. Giá mua bằng tổng mệnh giá trái phiếu, các khoản lãi và tất cả khoản tiền khác phát sinh nhưng chưa được thanh toán trên trái phiếu tính đến ngày mua lại trước hạn.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nam Land có kế hoạch mua lại lô 4 triệu trái phiếu phát hành ngày 13/7/2021 (kỳ hạn 3 năm) với giá trị 900 tỷ đồng. Đơn vị này huy động trái phiếu để đầu tư dự án Shizen Home.

Chứng khoán Tân Việt cho biết một công ty bất động sản (BĐS) khác như: CTCP Gotec Land, CTCP Thương mại Công nghệ An Phát, CTCP Năng lượng Thiên niên Kỷ cũng có kế hoạch mua lại các lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 600 tỷ đồng, 200 tỷ đồng, 40 tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu mà 5 doanh nghiệp nói trên dự kiến mua lại là 2.140 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến hết tháng 10, toàn thị trường đã ghi nhận 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup trị giá 625 triệu USD và 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị gần 10.600 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành).

Riêng với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, có khoảng 413 đợt phát hành từ đầu năm với giá trị hơm 240.760 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Trước đó, vào tháng 8, Bộ Tài chính gửi báo cáo đến Chính phủ cho hay riêng năm 2022, số tiền đến hạn trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp lên đến 144.500 tỷ đồng (khoảng 6,2 tỷ USD), rủi ro đến từ lĩnh vực BĐS chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,2%, các tổ chức tín dụng chiếm 20,2% (khoảng 29.100 tỷ đồng).

Doanh nghiệp BĐS kêu khó khăn nguồn vốn tín dụng

Ngày 8/11 vừa qua, hai cuộc họp “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS” diễn ra cùng thời điểm tại Hà Nội và TP.HCM, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Lê Minh Khái tổ chức.

Theo đánh giá, thị trường BĐS đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, chiếm khoảng 11% GDP cả nước.

Hiện nay, thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, từ các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính đến khó khăn về dòng tiền, thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, v.v…

Các vụ án rúng động thị trường liên quan đến Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát,… được cho là khiến doanh nghiệp BĐS càng rơi vào tình cảnh “khát” vốn tín dụng, một phần nữa là “room” tín dụng đã cạn đến cuối năm.

Do đó, doanh nghiệp BĐS phải chiết khấu cao cho các dự án tương lai, hoặc vòng qua vay ký quỹ chứng khoán để thu xếp vốn ngắn hạn giá cao,…

Tại cuộc họp nói trên, các doanh nghiệp tập trung đề nghị 3 giải pháp gấp rút để tiếp sức cho các doanh nghiệp BĐS, cũng như cứu thị trường những trong tháng cuối năm 2022:

Một là các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, NHNN xem xét nới trần “room” tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng.

Kế đến, một số đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Thứ ba là các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được NHNN chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đức Minh