So với năm 2018, mức trần của khung giá phát điện năm 2019 tăng mạnh nhất đối với nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu công suất 1×600 MW, tăng 359,29 đồng/kWh.

muc tran khung gia phat dien 2019 tang len 1 900 dong kwh
(Ảnh: Shutterstock)

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 281 (có hiệu lực từ ngày 12/2/2019) quy định khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện.

Cụ thể, đối với các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu công suất 1×600 MW, mức trần của khung giá phát điện là 1.896,05 đồng/kWh; đối với nhà máy có công suất 2×600 MW, mức trần khung giá là 1.677,02 đồng/kWh. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung.

Đối với các nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá phát điện là 1.110 đồng/kWh. Mức giá này chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng.

Công nghệ phát điệnCông suất tinh (MW)Mức trần (đồng/kWh)
Nhiệt điện than nhập khẩu1×600 MW1.896,05
Nhiệt điện than nhập khẩu2×600 MW1.677,02
Thủy điện1.110

Nguồn: Quyết định số 281/QĐ-BCT ngày 12/2/2019

Năm 2018, khung giá phát điện đối với nhà máy nhiệt điện than dao động từ 1.597,22 /kWh (nhiệt điện than nội địa) đến 1.600,04 đồng/kWh (nhiệt điện than nhập khẩu). Với giá điện thủy điện, mức trần của khung giá phát điện là 1.090 đồng/kWh.

Công nghệ phát điệnCông suất tinh (MW)Mức trần (đồng/kWh)
Nhiệt điện than nội địa2×300 MW1.597,22
Nhiệt điện than nhập khẩu1×600 MW1.536,76
Nhiệt điện than nhập khẩu2×600 MW1.600,04
Thủy điện1.090

Nguồn: Quyết định số 354/QĐ-BCT ngày 25/1/2018

Theo đó, so với năm 2018, mức trần của khung giá phát điện năm 2019 tăng mạnh nhất đối với nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu công suất 1×600 MW, tăng 359,29 đồng/kWh; đối với nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu công suất 2×600 MW, mức tăng là 76,98 đồng/kWh. Mức trần của khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện tăng ít nhất, 20 đồng/kWh.

Cuối năm 2018, nguy cơ thiếu điện liên tục được cảnh báo bởi Tập đoàn công nghiệp Than – Khoảng sản (TKV) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Nguyên nhân chủ yếu theo công bố là do thiếu than cho nhà máy nhiệt điện than.

Vừa qua, EVN gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho phép các nhà máy điện được điều chỉnh giá bán điện và được tính toán cập nhật vào giá điện bình quân trong năm 2019.

Lý do điều chỉnh do giá than trộn (than nhập khẩu pha trộn với than trong nước) theo đề xuất của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cao hơn so với trước 11,18%-15,06% tuỳ loại.

Theo tính toán của EVN, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất, chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng.

Giá phát điện là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành giá bán lẻ điện. Cụ thể, cơ cấu giá bán lẻ điện cơ bản gồm chi phí của 4 khâu: khâu phát điện, khâu truyền tải, khâu phân phối bán lẻ và khâu phụ trợ.

Trong đó, khâu phát điện chiếm tỷ lệ chi phí cao nhất – khoảng 78%, còn lại là khâu truyền tải và phân phối bán lẻ.

Nguyễn Quân

Xem thêm: