Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nước này cần phát triển các cách tiếp cận chiến lược bao quát hơn ngoài các mức thuế để chống lại việc Trung Quốc “bóp méo 20 năm”, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Embed from Getty Images

Hôm thứ Hai (19/12), Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã phát biểu rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh về “các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường”, SCMP đưa tin.

Bà Tai đã đưa ra những lời chỉ trích công khai gay gắt đối với các chính sách thương mại của Trung Quốc, cho biết việc người Mỹ mất việc làm, thu nhập và khả năng sản xuất đi kèm với sự gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc là điều “thực tế và tàn khốc”.

“Trong một thời gian dài, các chính sách và thông lệ không công bằng của CHND Trung Hoa đã làm suy yếu sự thịnh vượng của Mỹ, cản trở các quyền lao động và làm suy yếu các tiêu chuẩn môi trường.”

Bà Tai cảnh báo rằng các công cụ thương mại truyền thống của Washington để đối đầu với Trung Quốc, chẳng hạn như thuế đối kháng chống bán phá giá, đã không thể ngăn chặn tình trạng “rỗng ruột” nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ đối với an ninh quốc gia.

Bà nói: “Chúng ta cần một chiến lược mới về Trung Quốc phục vụ lợi ích của chúng ta.” Bà nhấn mạnh rằng chính quyền Biden đã không làm việc hiệu quả khi sắp xếp lại các chính sách thương mại đối với Trung Quốc.

Bà nói: “Sự tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc nói riêng trong 20 năm qua đã thay đổi sâu sắc nền kinh tế toàn cầu và tạo ra những áp lực và sự méo mó mà chúng ta cần phải sửa chữa”.

“Khung [chính sách mới] đó sẽ hướng dẫn cách chúng ta phải quản lý mối quan hệ kinh tế này một cách có trách nhiệm.”

Nhận xét của bà Tai được đưa ra khi quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn căng thẳng. Hai bên đang mắc kẹt trong cuộc chiến công nghệ khốc liệt bất chấp hàng loạt cuộc gặp mặt trực tiếp ở cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Indonesia.

Bà Tai cũng cho biết Hoa Kỳ đang “tìm kiếm nhiều lựa chọn hơn” thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để phục hồi kinh tế trong một khu vực nơi chuỗi cung ứng được tích hợp chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc.

Lê Vy