Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đưa ra kết luận về việc gỗ ván ép Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới gần 200%. Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam vi phạm đối mặt nguy cơ phá sản khi việc áp dụng thuế này được tính từ ngày 17/6/2020 (lúc bắt đầu điều tra).

xuất khẩu gỗ ván ép gỗ ván ép việt nam bị áp thuế chống bán phá giá mỹ áp thuế chống bán phá giá gỗ ván ép 1
Theo DOC, 22 doanh nghiệp Việt Nam đã không hợp tác với phía Mỹ trong quá trình điều tra. (Ảnh minh họa: quangbinh.gov.vn)

Cụ thể, DOC vừa đưa ra kết luận một số sản phẩm gỗ ván ép (plywood) của Việt Nam có nhập nguyên liệu chính từ Trung Quốc với mục đích né thuế chống bán phá giá. Do đó, các sản phẩm này sẽ phải chịu mức thuế có thể lên đến gần 200% như Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc.

Việc tính thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam này sẽ được tính từ ngày 17/6/2020 (ngày thông báo khởi xướng cuộc điều tra), theo một thông báo của DOC hôm 29/7 trên trang The Federal Register.

Được biết, ván ép hay còn gọi là gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ một hoặc hai lớp ván gỗ cứng ở bề mặt.

Hiện tại, Mỹ đang áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc, với mức thuế chống bán phá giá là 183,3% và thuế thuế chống trợ cấp từ khoảng 23% – 195%.

Theo Liên minh Thương mại Công bằng đối với Ván ép gỗ cứng của Mỹ (Coalition for Fair Trade in Hardwood Plywood), DOC đã đưa ra quyết định trên cơ sở toàn quốc, có nghĩa là quyết định này áp dụng cho tất cả các sản phẩm ván ép xuất khẩu từ Việt Nam.

Liên minh này cho rằng kết luận của DOC là một “thắng lợi quan trọng trong các vụ kiện thương mại chống lại hàng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam, vốn đang tăng mạnh trong những năm gần đây”.

Căn cứ kết luận sơ bộ này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ kể từ ngày 17/6/2020 đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.

Mức đặt cọc tiền mặt áp dụng với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu vào Mỹ chịu thuế chống bán phá giá sẽ là 183,3% và đối với các sản phẩm chịu thuế chống trợ cấp từ khoảng 23% – 195%, trừ khi công ty đưa ra bằng chứng sản phẩm của mình không là đối tượng chịu áp mức thuế này.

Mặt khác, gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác sẽ không bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hợp tác trong quá trình Mỹ điều tra

Bộ Thương mại Mỹ đồng thời cũng đưa ra kết luận về 22 công ty của Việt Nam đã không hợp tác và 14 công ty không phản hồi với Mỹ trong quá trình điều tra.

DOC cũng cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu Mỹ tham gia cơ chế tự chứng nhận hàng hóa được loại trừ khỏi biện pháp trốn tránh.

Cơ chế tự chứng nhận này sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp mà DOC đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của DOC trong quá trình điều tra.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết “Việc DOC từ chối bản bình luận của các doanh nghiệp Việt khiến vụ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng gỗ dán của Việt Nam tăng thêm độ căng thẳng. Các doanh nghiệp Việt hiện rất lo lắng và hoang mang. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tên trong danh sách không hợp tác, hoặc phản hồi không đúng của DOC”, theo báo Tiền Phong.

Ông Hoài nói: “Nếu bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện chỉ còn mấy ngày để các doanh nghiệp nộp lại bản bình luận”.

Theo thống kê, Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản). Năm 2021, thị trường này nhập khẩu khoảng 13,5 tỷ USD sản phẩm gỗ, nội thất, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ dán từ Việt Nam đạt khoảng 522 triệu USD.

Đức Minh