Đầu tuần qua, mẫu thuẫn trong thương mại Mỹ – Trung đã tăng lên sau khi Washington thông báo sẽ áp thuế chống phá giá với ván ép nhập từ Trung Quốc. Động thái này của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa chứng kiến doanh nghiệp hai nước ký kết các hợp đồng giao thương lên tới hơn 250 tỷ USD.

Embed from Getty Images

Thương mại sẽ là vấn đề đau đầu cho mối qua hệ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình

Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) cho hay hôm thứ Hai (13/11), Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo rằng họ phát hiện Trung Quốc đang trợ cấp lên tới 195% giá trị sản phẩm ván ép và phía Mỹ sẽ áp đặt mức thuế với tỉ lệ tương ứng.

Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Ba (14/11) phát đi tuyên bố nói rằng phương thức tính toán chi phí với sản phẩm Trung Quốc của Mỹ là phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc và vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trung Quốc cho biết họ cảm thấy “không hài lòng” sâu sắc với vụ việc này.

Được biết, giá trị mặt hàng ván ép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ năm ngoái chỉ khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 0,25% tổng giá trị sản phẩm mà Trung Quốc xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, việc đánh thuế chống phá giá này phản ánh một vấn đề gai góc trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung: Trung Quốc yêu cầu Mỹ đối xử với họ như một nền kinh tế thị trường, nhưng Mỹ từ chối thực hiện điều này.

Mâu thuẫn này nổi lên ngay thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa kết thúc chuyến công du Châu Á, cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn rất nhiều thách thức.

Phía Trung Quốc cố gắng xóa nhòa các khác biệt về thương mại trong khi tiếp Tổng thống Mỹ, đổi lại, ông Trump cũng đã tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh trong những ngày công du Châu Á. Tuy nhiên, mâu thuẫn thương mại giữa hai nước là vấn đề từ gốc rễ và không dễ để bỏ qua. Dù Tổng thống Trump có cố gắng không đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc gây ra thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, ông cũng vẫn phải yêu cầu tất cả các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, phải thực hiện thương mại công bằng, đối ứng khi giao thương với Washington.

Trong loạt tweet đăng hôm thứ Ba (14/11) khi vẫn đang ở Manila, Philippines, ông Trump nói rằng: “Sau chuyến công du Châu Á của tôi, tất cả các nước làm ăn với chúng tôi về THƯƠNG MẠI nên biết rằng các quy tắc đã thay đổi. Hoa Kỳ phải được đối xử công bằng và theo kiểu đối ứng. Thâm hụt THƯƠNG MẠI lớn phải giảm xuống nhanh chóng!”.

Các chuyên gia về thương mại quốc tế cũng nhận định các bất đồng trong mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung không thể đẩy lùi trong ngắn hạn.

Ông Huo Jianguo, cựu giám đốc Viện nghiên cứu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói với tờ South China Morning Post rằng việc hy vọng tranh chấp thương mại Mỹ – Trung có thể biến mất trong thời gian ngắn là “không thực tế”.

Ông Huo nói: “Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc hội đàm tốt, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là vấn đề kinh niên. Thương mại là vấn đề phức tạp và hai nước đang có những bất đồng mấu chốt. Sẽ là quá lạc quan khi tin rằng mối quan hệ Mỹ – Trung đã bước vào kỷ nguyên mới và mọi vấn đề sẽ được giải quyết”.

Ông Brock Silvers, giám đốc điều hành của Kaiyuan Capital ở Thượng Hải, cho biết: “Ông Trump có thể cứng rắn về vấn đề thương mại với Trung Quốc hơn các đời tổng thống Mỹ trước đây, và thương mại vẫn sẽ là vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước trong thời gian tới”.

Hùng Cường

Xem thêm: