Các nhà bán lẻ tại Mỹ phải đối mặt với nhiều rắc rối về chuỗi cung ứng, thiếu lao động và áp lực lạm phát trong khi mùa lễ cuối năm đang đến gần. Người dân Mỹ tìm mua bất cứ thứ gì từ đồ điện tử, giày thể thao đến ô tô và thậm chí cả các nhu yếu phẩm gia dụng như giấy vệ sinh, có thể sẽ không may mắn mua được thứ mình cần do hết hàng. 

container
Cảng ở California (Ảnh chụp màn hình video Daily Mail)

Theo Daily Mail đưa tin, nhà bán lẻ cảnh báo rằng do sự tồn đọng của chuỗi cung ứng, có nghĩa là hơn 70 tàu container xếp hàng trên bờ biển California và 60 tàu khác xếp hàng ở bờ biển New York, vì vậy việc mua sắm Giáng sinh sẽ có thể trở lên hỗn loạn.

Tuyến bờ biển Los Angeles dự kiến ​​sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trong thời gian nghỉ lễ trên khắp nước Mỹ, không chỉ California, vì cảng này xử lý 40% tổng số container đến Mỹ.

Là điểm nhập cảnh chính của hàng hóa từ Trung Quốc, tình trạng tắc nghẽn tại cảng đã kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và tiếp tục tồi tệ hơn trong hai tháng qua.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu khổng lồ dường như không có dấu hiệu chững lại trong thời gian tới, họ cảnh báo rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt có thể tiếp diễn cho đến năm 2023.

Chuỗi cung ứng gặp khó: Thiếu hụt lao động

Trước đó, Costco cho biết họ sẽ thuê 3 tàu container để nhập khẩu các sản phẩm từ châu Á đến Mỹ và Canada nhằm giảm bớt tình thế khó khăn của chuỗi cung ứng sau khi họ buộc phải khôi phục lại các hạn chế mua giấy vệ sinh, khăn giấy và nước đóng chai vào tuần trước.

Cảng Long Beach cho biết họ đang thử nghiệm kế hoạch thí điểm 24/7 để kéo dài thời gian lấy hàng vào ban đêm khi khu vực này ít giao thông hơn nhằm tạo điều kiện giao hàng nhanh hơn. Công ty chuyển phát nhanh FedEx cho biết họ thay đổi lộ trình hơn 600.000 gói hàng mỗi ngày vì họ đang phải nỗ lực để ứng phó với tình trạng thiếu lao động đang làm khó các công ty Mỹ.

Khi một số nền kinh tế như Mỹ, Anh bắt đầu bình thường hóa, tình trạng tắc nghẽn trong giao thông vận tải đường thủy đã xảy ra. Điều này cho thấy sự hỗn loạn như thế nào khi doanh nghiệp mở cửa trở lại sau hơn 18 tháng kể từ khi xảy ra đại dịch, và chuỗi cung ứng vẫn còn rất mong manh.

Tình trạng thiếu tài xế xe tải và nhân viên cảng càng làm trầm trọng thêm tình hình, vì thế đã gây ra tình trạng chậm trễ và tắc nghẽn hơn nữa. Tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức các kệ hàng trong siêu thị trống rỗng.

Công ty Nike cho biết họ đang cố gắng tìm đủ container để vận chuyển hàng hóa của mình từ nước ngoài về Mỹ. Còn Tập đoàn General Motors (General Motors) cho biết do thiếu vi mạch nên hãng sẽ cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở Indiana, Missouri và Tennessee trong tháng này. Công ty Ford Motor cũng đang giảm sản xuất xe tải.

Ông John Drake, Phó chủ tịch chiến lược chuỗi cung ứng tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nói với CBS: “Không có người phù hợp để vận chuyển container và xe tải đến nơi chúng cần đến. Vì vậy, có rất nhiều thứ chất đống ở các cảng và nhà kho. Khi điều này xảy ra thì sẽ càng khó di chuyển những thứ đã chuẩn bị sẵn.”

Áp lực lạm phát

Là điểm nhập cảnh chính của hàng hóa Trung Quốc, tình trạng kẹt tại các cảng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cây thông Noel nhân tạo.

Công ty Balsam Hill là một công ty sản xuất cây nhân tạo có trụ sở tại California, đã bán cây thông tuyết Grand Canyon cao 1,4 mét trong năm nay với giá 499 đô la. Đây là mức cao hơn cao hơn 199 đô la Mỹ so với giá của cùng một cây như thế vào năm 2020, và chỉ trong 12 tháng, giá của nó đã tăng 2/3.

Ông Mac Harman, giám đốc điều hành của công ty Balsam Hill nói với Wall Street Journal: “Trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi chưa bao giờ tăng giá gần với mức này, tuy nhiên số tiền kiếm được khi tăng lại ít hơn.”

Ông Harman cho biết thêm: “Đối với chúng tôi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một danh mục sản phẩm được đưa ra và chúng tôi không có sản phẩm nào để bán. Hàng hóa của chúng tôi không đến đúng thời điểm. Chúng tôi vẫn đang cố gắng xác định vị trí chính xác của sản phẩm, xem chúng đang được vận chuyển hay bị mắc kẹt cảng? Nếu điều này tiếp tục xảy ra, chúng tôi có thể phá sản.”

Trước khi nhà bán lẻ đưa ra cảnh báo, Costco cho biết sẽ thuê tàu container cho chính mình để nhập sản phẩm nhằm đảm bảo hàng tồn trên kệ và giảm giá thành.

Giám đốc tài chính của Costco, ông Richard Galanti, cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích vào ngày 30/9 rằng, công ty đã thuê 3 tàu để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến Mỹ và Canada. Ông Galanti cho biết động thái này sẽ giúp họ tránh phải trả cước vận chuyển đắt gấp 6 lần trung bình hoặc thuê container thông qua bên thứ ba.

Mỗi tàu sẽ có khả năng chứa 8.000 đến 10.000 container cùng một lúc. Ông nói thêm rằng công ty cũng cho thuê “hàng ngàn container để sử dụng trên những con tàu này”.

Costco có kế hoạch sử dụng những con tàu này để vận chuyển khoảng 10 lô hàng trong năm tới, và vận chuyển khoảng 20% ​​hàng nhập khẩu từ châu Á.

Chuỗi câu lạc bộ kho hàng là một trong số lượng lớn các công ty đa quốc gia đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang tiếp diễn, khủng hoảng này đã gây ra sự chậm trễ và thiếu hụt ở nhiều chuỗi siêu thị, bao gồm cả Walmart và Home Depot.

Ông Galanti cho biết: “Như tôi đã thảo luận trong cuộc họp qua điện thoại vào quý trước, các yếu tố lạm phát có ở khắp nơi, chi phí lao động cao hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, nhu cầu vận tải cao hơn, cũng như tình trạng thiếu container và tình trạng chậm trễ … tình hình bây giờ rất ‘thú vị’.”

Kẹt ở cảng

 

Các cảng ở bờ biển phía tây nước Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kể từ tháng 8, khi đó có 44 tàu container bị mắc kẹt trên bờ biển do những vụ gián đoạn tương tự, sự kiện này đã lập một kỷ lục mới.

Thị trưởng thành phố Long Beach, ông Robert Garcia, thông báo trên Twitter rằng để giúp giảm sự chậm trễ của các tàu, các cảng Nam California đang hợp tác với chính quyền Biden và các cơ quan giao thông vận tải.

Theo Guardian, cảng này dự kiến ​​sẽ phá kỷ lục lịch sử và sẽ xử lý hơn 9 triệu đơn vị container trong năm nay, nhiều hơn gần 1 triệu đơn vị so với năm 2020.

Vào tháng 6, Cảng Los Angeles đã trở thành cảng đầu tiên ở Tây Bán cầu có xử lý 10 triệu đơn vị container trong vòng 12 tháng.

Ông Kip Loutitt, giám đốc điều hành của Marine Exchange, nói với Business Insider rằng chuỗi cung ứng không được chuẩn bị sẵn sàng cho hàng hóa nhập khẩu tràn vào.

Ông Kip Loutitt nói: “Một phần của vấn đề là những con tàu này có kích thước gấp đôi hoặc gấp ba lần những con tàu mà chúng ta đã thấy cách đây 10 hoặc 15 năm. Chúng mất nhiều thời gian hơn để dỡ hàng. Đồng thời cũng cần nhiều xe tải hơn, nhiều xe lửa hơn, nhiều nhà kho hơn để xếp hàng hóa.”

Trong bối cảnh thắt chặt chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, khu vực New York cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Ông John Catsimatidis, chủ chuỗi cửa hàng tạp hóa Gristedes, cho biết cửa hàng của ông đang gặp phải tình trạng khan hiếm sản phẩm Coca-Cola.

Ông nói với Fox Business News: “Các cửa hàng của chúng tôi ở New York đang thiếu hàng, vì công ty Coca-Cola không cách nào cho tài xế xe tải giao hàng đến thành phố New York. Và đây là một vấn đề nghiêm trọng.”

Đầu mùa hè này, New York và New Jersey đã vượt qua Long Beach để trở thành cảng lớn thứ hai ở Mỹ. Los Angeles là cảng lớn nhất ở Mỹ.

Trong tháng 6, Los Angeles ghi nhận 467.763 TEU nhập khẩu. TEU là container tiêu chuẩn 20 feet, là một đơn vị đo lường được sử dụng để xác định sức chứa hàng hóa của các tàu container và bến cảng.

Tháng 6 năm nay, các cảng New York / New Jersey đã có mức tăng trưởng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo The Load Star đưa tin, các cảng này ghi nhận được 390.169 TEU.

Vấn đề đau đầu của chuỗi cung ứng cũng đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác, bao gồm cả xây dựng nhà ở.

Trong một bài báo đăng trên Bloomberg Businessweek vào tuần trước, bà RoxAnne Thomas, giám đốc kho vận của công ty Gerber Plumbing Fixtures LLC, có trụ sở tại Illinois, đã mô tả về những nỗ lực để tìm kiếm các container vận chuyển thiết bị phòng tắm từ Trung Quốc và Mexico đến Mỹ, cũng như ứng phó với một số lượng lớn sự chậm trễ trong vận chuyển.

Theo Bloomberg đưa tin, có khoảng 25 triệu container được sử dụng trên khắp thế giới và 6000 tàu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Mười công ty vận tải biển hàng đầu thế giới kiểm soát 85% năng lực vận chuyển hàng hóa của thế giới.

Bà RoxAnne Thomas dựa đoán, với tốc độ vận chuyển thế này, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt hàng hóa có thể tiếp diễn cho đến năm 2023.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: