Đại dịch virus corona Vũ Hán đã và đang tác động xấu tới chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ, trong đó dịch bệnh này đã lây lan mạnh trong công nhân nhiều nhà máy chế biến thịt, khiến cho nhà máy phải đóng cửa và các lò mổ gia súc không thể sơ chế và chuyển hàng tới các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, đồng thời lượng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc lại tăng cao.

Embed from Getty Images

Không chỉ các cửa hàng bán lẻ, một số chuỗi nhà hàng tại Mỹ cũng đang đối mặt với thiếu nguồn cung thịt, trong đó có chuỗi nhà hàng Wendy’s. Công ty này gần đây thông báo rằng họ đã hết thịt bò làm bánh mì kẹp thịt.

Mặc dù Mỹ đang phải đối mặt với thiếu nguồn cung thịt, thì mặt hàng thịt lợn và các loại thịt gia súc và gia cầm khác lại gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Reuters hôm 6/5 đã đăng một bài phân tích về thực trạng này, trong đó giải thích như sau:

Các nhà sản xuất và đóng gói thịt tại Mỹ đã dành ít nhất một năm để điều chỉnh tăng xuất khẩu sang Trung Quốc khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn Châu Phi.

Nhưng bây giờ, khi Mỹ cũng đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng thịt do ảnh hưởng từ đại dịch virus corona, thì nguồn cung thịt lợn Mỹ đang được chuyển đến Trung Quốc với tốc độ chóng mặt.

Đối với một số người tiêu dùng Mỹ, họ có thể đánh giá tình huống này là tồi tệ bởi vì virus corona đã bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Nhưng xuất khẩu thịt Mỹ tới Trung Quốc gia tăng kỷ lục đã là kế hoạch từ lâu nhằm đáp ứng cả về nhu cầu của Trung Quốc và tăng doanh số cho doanh nghiệp Mỹ”.

Đưa tin về vấn đề này, tờ AP cho biết việc xuất khẩu thịt sang Trung Quốc là gắn với các thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, một trong những trụ cột chính trong nghị trình của chính quyền Trump. Hai nước đã hoàn thành ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một từ trước khi dịch bệnh virus corona bùng phát tới Mỹ.

Hai chính phủ đã tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của nhau trị giá hàng tỷ USD từ năm 2018 trong một cuộc chiến về thâm hụt thương mại và tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được hai bên ký hồi tháng Một, Washington đã đồng ý giảm một số khoản tăng thuế và hoãn một số khoản thuế khác để đổi lại nhận được cái mà ông Trump gọi là cam kết của Trung Quốc trong việc mua hàng hóa nông sản và các sản phẩm khác của Mỹ trị giá 200 tỷ USD. Bắc Kinh đã nối lại việc mua đậu nành Mỹ, nhưng họ chưa xác nhận quy mô của bất kỳ cam kết nào.

Hôm Chủ Nhật (3/5), ông Trump nói với Fox News, ‘nếu họ không mua, chúng ta sẽ chấm dứt thỏa thuận. Rất đơn giản’”.

AP dẫn tin từ Tân Hoa Xã cho biết các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (8/5) để thảo luận về các vấn đề thương mại song phương.

Qua cuộc điện đàm hôm 8/5, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đồng ý “tạo ra bầu không khí và những điều kiện thuận lợi” cho việc thực thi thỏa thuận “giai đoạn một” mà hai bên ký kết trong tháng Một.

Bài phân tích của Reuters cho hay: “Thiếu hụt nguồn cung thịt tại Mỹ và các mục tiêu về gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một dường như là hai vấn đề trái ngược nhau, làm dấy lên câu hỏi liệu có cần phải giới hạn doanh số xuất mặt hàng này sang Trung Quốc. Căn cứ vào những phát biểu đầy tính đấu tranh về thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump gần đây, thì việc Mỹ sẽ ban hành một số hạn chế xuất khẩu thịt sang Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên. Ông Trump tuần trước cũng đã ra lệnh cho các nhà máy chế biến thịt phải duy trì hoạt động để bảo vệ nguồn cung thịt Mỹ. Tuy nhiên, lệnh này của ông Trump đã vấp phải phản ứng dữ dội của các nghiệp đoàn công nhân và các nhà lập pháp vì họ cho rằng duy trì hoạt động sẽ ảnh hưởng tới an toàn của công nhân. Cũng không rõ chỉ lệnh của tổng thống sẽ có hiệu quả mong muốn trong sản xuất hay không”.

Bài viết của Reuters cho biết số liệu xuất khẩu sơ bộ của Mỹ trong tháng Tư “cho thấy sản lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc là tương đương với mức xuất trong tháng Ba, trong khi các chuyến hàng thịt bò sang Trung Quốc có thể tăng cao hơn” và hầu hết doanh số xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đều là từ các đơn hàng ký kết trước khi Mỹ phải đối mặt với thiếu nguồn cung thịt.

Giá trị của tất cả thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm và các sản phẩm thịt khác của Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2020 đạt tổng cộng 781 triệu USD”, theo Reuters.

Như Ngọc

Xem thêm: