Hôm thứ Sáu (26/8), Cơ quan giám sát kiểm toán Hoa Kỳ cho biết, họ đã ký một thỏa thuận với các cơ quan quản lý Trung Quốc, cho phép các cơ quan quản lý Hoa Kỳ tiếp cận giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Nghĩa là Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) sẽ miễn trừ cho các công ty được đưa vào danh sách rủi ro buộc phải hủy niêm yết.

6185870308 10eaab2ba0 b
Ngày 26/8/2022, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ. Ảnh tòa nhà trụ sở của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) ở Washington. (Nguồn: SEC/ Flickr)

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), ông Gary Gensler, cho biết trong một tuyên bố: “Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi nhận được cam kết chi tiết và cụ thể từ Trung Quốc, rằng họ sẽ cho phép PCAOB đánh giá và điều tra phù hợp với các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. 

Trung Quốc và chúng tôi đồng ý về sự cần thiết phải có một khung tiêu chuẩn. Trừ khi đạt được một khung như vậy, chúng tôi mới miễn cưỡng cho phép các giám định viên của PCAOB đến Trung Quốc và Hồng Kông.

Thời gian cần thiết để tiến hành các cuộc đánh giá và điều tra này, các thanh tra viên sẽ phải đến thực địa trước giữa tháng Chín nếu muốn công việc của họ có cơ hội hoàn thành vào cuối năm.”

Đây là một bước tiến trong quy trình giải quyết tranh chấp kiểm toán Mỹ – Trung hơn 1 thập kỷ qua.

Trong một tuyên bố, Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) đã liệt kê 3 yếu tố chính của thỏa thuận.

Thứ nhất, cho phép PCAOB “có toàn quyền quyết định lựa chọn công ty nào, các hoạt động kiểm toán và vi phạm tiềm ẩn mà cơ quan này xem xét và điều tra – mà không cần tham vấn và không có ý kiến ​​của chính quyền Trung Quốc.”

Thứ hai, thiết lập thủ tục để các giám định viên và điều tra viên của PCAOB xem xét toàn bộ hồ sơ kiểm toán có chứa tất cả thông tin, và PCAOB có thể giữ lại thông tin khi cần thiết.

Thứ ba, PCAOB có thể trực tiếp phỏng vấn và lấy lời khai từ tất cả nhân viên liên quan đến kiểm toán mà PCAOB xem xét hoặc điều tra.

Chủ tịch PCAOB, ông Erica Y. Williams, bày tỏ sự lạc quan thận trọng về việc liệu thỏa thuận có dẫn đến kết quả có ý nghĩa hay không.

“Thỏa thuận này chỉ có ý nghĩa nếu PCAOB thực sự có thể kiểm tra toàn diện và điều tra các công ty kiểm toán ở Trung Quốc.” Ông nói nếu PCAOB không thể kiểm tra các công ty kiểm toán, khoảng 200 công ty niêm yết Trung Quốc tiếp tục sử dụng các công ty kiểm toán này sẽ được bị cấm giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.

Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc đề cập đến một loạt cổ phiếu của các công ty có thành phần chính là tài sản hoặc doanh thu ở Trung Quốc Đại Lục, và quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc.

Thông thường, cổ phần khái niệm Trung Quốc là cách để các công ty Trung Quốc có được nguồn vốn ở nước ngoài, nhờ việc niêm yết ở nước ngoài, với sự đồng ý hoặc ủng hộ từ giới chức.

Trong một thời gian dài, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã yêu cầu quyền truy cập vào giấy tờ kiểm toán của các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh đã từ chối hợp tác với lý do “an ninh quốc gia”.

Ngày 26/8, Wall Street Journal đưa tin, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đang thu xếp, để các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ và các công ty kế toán của họ chuyển các giấy tờ kiểm toán và dữ liệu khác từ Trung Quốc đại lục sang Hồng Kông, một nguồn tin cho biết.

Sau đó, các giám sát viên từ Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) có thể đến Hồng Kông, tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với các giấy tờ kiểm toán và cơ cấu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, nguồn tin nói thêm.

Họ cũng nói rằng gần đây, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã thông báo cho một số công ty kế toán về kế hoạch này, đồng thời cho biết thêm rằng các thanh tra viên kế toán Hoa Kỳ có thể đến Hồng Kông sớm nhất là vào tháng tới. Một thỏa thuận cuối cùng sẽ chỉ đạt được khi Hoa Kỳ chắc chắn rằng họ có thể xem xét đầy đủ các giấy tờ kiểm toán, nguồn tin cho biết.

Ông Trương Tử Hoa, Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý Tài sản Vân Nhất Bắc Kinh nói với Reuters: “Đây chắc chắn là tin tốt đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu. Bởi họ không phải lo lắng về việc bị hủy niêm yết khỏi New York, vì lý do quản lý, giám sát và định giá của họ có thể được sửa chữa.”

Tối 26/8, trang web của CSRC đăng bài “Người phụ trách CSRC có liên quan trả lời câu hỏi của phóng viên, về việc ký kết thỏa thuận hợp tác giám sát kiểm toán Trung-Mỹ”.

Theo CSRC: “Hiện tại, có hơn 200 công ty Trung Quốc được niêm yết trên thị trường vốn Hoa Kỳ, và hơn 30 công ty kế toán nội địa của Trung Quốc đã đăng ký với PCAOB, có thể cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ. Để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và giám sát các công ty trên, PCAOB cần thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý của Trung Quốc, và thực hiện hợp tác quản lý xuyên biên giới.”

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết: “Nếu sự hợp tác tiếp theo có thể đáp ứng nhu cầu quy định tương ứng của họ, thì sẽ giải quyết được vấn đề giám sát kiểm toán đối với các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, do đó tránh bị động hủy niêm yết từ Hoa Kỳ.”

Tranh chấp về quy định kiểm toán giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến 5 doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc tuyên bố rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Ngày 12/8, China Life, Sinopec, PetroChina, Aluminum Corporation của Trung Quốc và Shanghai Petrochemical từng tự phát thông báo, họ sẽ “tự nguyện hủy niêm yết” khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York vào cuối tháng này, với lý do khối lượng giao dịch chứng khoán niêm yết bị hạn chế, và phải chịu gánh nặng hành chính và chi phí.

Từ năm 2010, nhiều cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý chặt chẽ của các cơ quan quản lý Hoa Kỳ, do công bố thông tin, gian lận tài chính và các lý do khác.

Sự cố gian lận tài chính của Công ty Luckin (Thụy Hạnh) được tiết lộ vào đầu năm 2020 đã đẩy tranh chấp kiểm toán giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lên cao trào, khiến khái niệm cổ phiếu Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng về sự liêm chính ở Hoa Kỳ.

Khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang, vào tháng 5/2020, Tổng thống Trump khi đó đã ký “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài”, yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến chính phủ nước sở tại, để chứng minh rằng họ không bị kiểm soát bởi chính phủ, và tuân theo các yêu cầu về tính minh bạch của kiểm toán.

Nếu các công ty này không vượt qua được cuộc kiểm tra của PCAOB trong 3 năm liên tiếp, họ sẽ bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Hoa Kỳ.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hiện đã đưa 162 cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc vào danh sách rủi ro không tuân thủ và hủy niêm yết.

Giáo sư Tạ Điền của Trường Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina, tin rằng một lượng lớn các công ty Trung Quốc có thể sẽ không rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, vì lợi ích của việc niêm yết ở Mỹ là quá phong phú và quan trọng.

Ông nói với VOA: “Vẫn có những công ty Trung Quốc thực sự tốt đang hoạt động một cách liêm chính. Nếu chính quyền Trung Quốc cho phép họ tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ, họ sẽ cố gắng giữ lại cổ phiếu của Hoa Kỳ”.

Bình Minh (t/h)