Trong năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc tăng vọt lên gần 110 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt gần 56 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam nhập siêu gần 54 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm vừa qua.

quangninh.gov .vn
Hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có trị giá lên đến 109,87 tỷ USD, tăng 25,77 tỷ USD (tương đương 30,5%) so với năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33,1% giá trị nhập khẩu cả nước.

Năm vừa qua, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cao gần gấp 2 lần giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc và gần gấp 5 lần từ Nhật Bản (trị giá nhập khẩu hàng hóa năm 2021 lần lượt là 56,16 tỷ USD và 22,65 tỷ USD). Giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ chỉ đạt 15,27 tỷ USD, chiếm 4,6% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2021.

Trong 45 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có tới 17 nhóm hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng trên 20 tỷ USD.

Cụ thể, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2021 đạt gần 25 tỷ USD, tăng hơn 46% so với năm trước, chiếm 53,8% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước Việt Nam. Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 26,86 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng lớn mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,24 tỷ USD; mặt hàng vải vóc hơn 9 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2021, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc tăng gấp 3 lần so năm trước với số lượng 22.750 chiếc.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ bằng một nửa, đạt giá trị gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm trước. Như vậy, năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 54 tỷ USD, nhiều hơn 18,8 tỷ USD so với năm 2020.

Tuy Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất trong các nước nhưng Hoa Kỳ mới là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất, đạt tổng giá trị gần 96,29 tỷ USD, chiếm 28,6% trong năm 2021. Có thể thấy, năm vừa qua đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, còn đối tác xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ.

Nhóm mặt hàng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhất và nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất cùng là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác. Giá trị của nhóm hàng này xuất sang Hoa Kỳ là 17,82 tỷ USD, tăng 45,9% so với năm 2020; nhập từ Trung Quốc là 24,92 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm trước.

Tình hình xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 gặp nhiều biến động. Các cửa khẩu ở phía Bắc Việt Nam hứng chịu nhiều đợt ùn tắc, đỉnh điểm lên đến hơn 6.000 xe container dồn ứ do không thông quan được. Phía Trung Quốc áp đặt chính sách zero-COVID lên người và cả hàng hóa đi theo. Do đó, mỗi khi có xuất hiện ca nhiễm virus COVID, hải quan Trung Quốc liền tạm dừng thông quan.

Nếu cứ tiếp tục tăng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam dễ bị lạm phát nhập khẩu. Nền kinh tế Việt Nam sẽ dễ chịu sự bất ổn khi có bất kỳ sự đứt gãy chuỗi cung ứng nào đến từ Trung Quốc. Vì vậy, để giảm tình trạng nhập siêu và phụ thuộc quá sâu vào thị trường Trung Quốc, chia sẻ với báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất một số giải pháp:

– Nghiên cứu thị trường Trung Quốc kỹ lưỡng hơn và xuất khẩu nhiều hơn. Từ đó, cán cân thương mại giữa hai bên sẽ cân bằng hơn hiện nay.

– Nghiên cứu các sản phẩm thay thế, sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Không phụ thuộc vào tâm lý mua rẻ bán nhanh.

– Có chiến lược mở rộng thị trường với các nước khác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam cần tăng cường chất lượng hàng hóa, nâng cao hình ảnh và đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của các thị trường lớn khác như EU, Hoa Kỳ,… để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Quang Minh

Xem thêm: