Trong năm nay, cổ phiếu của Apple và Tesla, hai trong số những tên tuổi lớn nhất của Mỹ, đều sụt giảm nặng nề một cách hiếm hoi. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều chung một điểm là chính sách phòng chống dịch bệnh cực đoan hay sự thay đổi của Trung Quốc.

shutterstock 1336041920
Cửa hàng Tesla ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn: B.Zhou/ Shutterstock)

Những chính sách này đã gây tổn thất lớn cho các công ty nước ngoài như Apple và Tesla, đồng thời sẽ có tác động lâu dài đến hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

Vào đầu năm, cổ phiếu Apple đã giảm 49 USD, từ mức 179 USD xuống còn 130 USD một cổ phiếu, tương đương 27%, và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Thậm chí cổ phiếu của Tesla còn sụt giảm đáng kinh ngạc hơn, từ 362 USD vào đầu năm xuống còn 110 USD tại thời điểm hiện tại, giảm tới 68%, 249 USD một cổ phiếu. Giá trị thị trường giảm từ một công ty siêu lớn, trị giá nghìn tỷ đô la xuống ngang bằng với Facebook và các công ty khác có giá trị thị trường là 300 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của hai công ty ngôi sao của Mỹ này sụt giảm chóng mặt là khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là các chính sách cực đoan và không ổn định của chính quyền Trung Quốc đã gây tổn hại lớn cho hoạt động kinh doanh của họ tại nước này.

Chính sách chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Trung Quốc luôn dao động giữa các thái cực. Đầu tiên là tuân thủ chính sách zero-COVID cực đoan, sau đó lại đột ngột nới lỏng hoàn toàn, gây ra một trận sóng thần dịch bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn zero-COVID, tất cả các khu vực của Trung Quốc liên tiếp thực hiện 3 biện pháp chính là xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, cách ly quy mô lớn và đóng cửa nghiêm ngặt các thành phố, hạn chế sự di chuyển của người dân và các phương tiện vận chuyển, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus

Mặc dù điều này đã đóng một vai trò nhất định trong việc trì hoãn sự lây lan của virus, nhưng nó cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, khiến Apple và Tesla phải chịu thiệt hại nặng nề.

Foxconn Trịnh Châu, nhà sản xuất điện thoại di động chính của Apple tại Trung Quốc, đã chứng kiến ​​một lượng lớn công nhân tháo chạy, nghỉ việc vào đầu tháng 11, vì họ không hài lòng với các biện pháp chống dịch của nhà máy. Chuyên gia truyền thông Nhật Bản Akio Yaita đã ví cảnh này giống như làn sóng chạy nạn trong nạn đói ở Hà Nam (Trung Quốc) năm 1942.

Sau đó các cuộc biểu tình của công nhân nổ ra, cũng như xung đột giữa công nhân và cảnh sát bùng phát. Công nhân cho rằng họ bị lừa nên biểu tình bảo vệ quyền lợi, hoạt động này đã bị cảnh sát trấn áp, nhiều người bị cảnh sát đánh đổ máu.

Những sự cố này dẫn đến việc sản xuất điện thoại di động của Apple bị đình chỉ và sản lượng giảm mạnh, khiến Apple phải nhiều lần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, và trì hoãn kế hoạch ra mắt sản phẩm trên thị trường.

Nhà máy Trịnh Châu của Foxconn là nhà máy lắp ráp điện thoại di động Apple lớn nhất thế giới, sử dụng khoảng 200.000 công nhân. Sản lượng của nhà máy này chiếm tới 70% lượng iPhone xuất xưởng toàn cầu.

Nhà máy ưu việt của Tesla ở Thượng Hải cũng không tránh khỏi sự xui xẻo như Apple, bởi vai trò quan trọng của Thượng Hải đối với nền kinh tế Trung Quốc. Dịch bệnh ở đó cũng trở thành cơn ác mộng mà Tesla khó thoát khỏi.

Trong thời gian Thượng Hải đóng cửa vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, nhiều công nhân Tesla không thể đi làm, buộc nhà máy Tesla phải thay đổi cơ chế 2 ca sang một ca, sản lượng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần đây, việc Trung Quốc bất ngờ nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh đã gây ra trận sóng thần lây nhiễm virus, mang đến một làn sóng chấn động mới lớn hơn cho các nhà máy của Apple và Tesla tại Trung Quốc.

Thông tin nhà máy Thượng Hải của Tesla tạm dừng và giảm sản lượng đã gây ra cú sốc nghiêm trọng trên thị trường, khiến giá cổ phiếu của Tesla tiếp tục giảm mạnh.

Nhà máy Thượng Hải của Tesla là cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty bên ngoài Hoa Kỳ, sử dụng 20.000 nhân viên. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của Tesla.

Chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ zero-COVID và nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với việc đi lại, nhập cảnh.

Những thay đổi này đã tạo ra một động lực ngắn hạn cho tâm lý thị trường ảm đạm, nhưng sự không chắc chắn mà Trung Quốc đã bộc lộ trong suốt đại dịch đã khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Công ty đóng gói Creative Packaging Solutions có trụ sở chính tại New Jersey, Mỹ, cũng nhiều lần gặp phải tình trạng trì hoãn “vô lý” trong thời gian Trung Quốc chống dịch. Chủ tịch công ty, bà Coni Lefferts, hài lòng với việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trong tháng này.

Bà hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ giảm bớt những rắc rối mà các đối tác địa phương gặp phải trong sản xuất và vận chuyển, đồng thời sẵn sàng cố gắng hết sức để duy trì hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi ở Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi khiến các công ty Mỹ rất khó duy trì hoạt động kinh doanh tại nước này trong thời gian dài.

Một báo cáo vào ngày 27/12 trên Business Insider đã dẫn lời bà Coni Lefferts nói rằng nếu bà ấy tìm thấy một quốc gia khác có thể sản xuất “cùng tiêu chuẩn, cùng chất lượng, trong cùng một khoảng thời gian, với cùng chi phí” thì “chúng tôi có thể xem xét chuyển địa điểm.”

Từ Hollywood đến ngành sản xuất và các công ty Internet, ngày càng nhiều công ty Mỹ đang hoặc đã tách khỏi Trung Quốc. Họ bắt đầu ngày càng tin tưởng rằng “không có Trung Quốc cũng có thể thành công”.

Bình Minh (t/h)