Theo báo cáo về thị trường trái phiếu năm 2022, có hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Việt Nam phát hành là của các doanh nghiệp chưa niêm yết. Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra tình trạng tài chính của số doanh nghiệp này ở mức “yếu kém”, “thiếu minh bạch” và “rất đáng báo động”.

trai phieu bat dong san dao han trai phieu thi truong trai phieu 2022 2023
Năm 2023, có khoảng 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải trả của nhóm doanh nghiệp BĐS. (Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn)

Truyền thông trong nước dẫn báo cáo về thị trường trái phiếu năm 2022 của Đơn vị nghiên cứu tài chính FiinRatings, trong đó chỉ ra hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp ngành BĐS của Việt Nam phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết với “sức khỏe” tài chính ở mức yếu, rất báo động và đặc biệt là thiếu minh bạch.

FiinRatings nhận định các doanh nghiệp BĐS buộc phải duy trì đủ dòng tiền cho các dự án (thường kéo dài 3-5 năm, tùy thuộc quy mô) do đặc thù thâm dụng vốn, nhưng dòng tiền suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này.

Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành BĐS sẽ lên tới hơn 230.800 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn.

“Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn. Do thiếu vốn triển khai dự án trong khi doanh số sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án tái cơ cấu nợ như: Gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới; mua lại trái phiếu; trả nợ trái phiếu bằng BĐS”, báo cáo nêu.

Bộ Xây dựng cho biết ngoài khoản nợ vay các ngân hàng khoảng 800.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để vay nợ thêm 419.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ này, 2022 là năm các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều thách thức, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với khó khăn.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng đưa ra là do doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, năm vừa qua đã bộc lộ rất nhiều các vụ án liên quan đến Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua phát hành trái phiếu. Điển hình như: Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Louis Holdings, v.v…

Điều này dẫn đến thị trường trái phiếu gần như “sụp đổ” và người dân liên tục tố cáo một số ngân hàng lợi dụng uy tín để bán trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức “Tiết kiệm trái phiếu linh hoạt”, gây hiểu nhầm cho người gửi tiền.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2023, thị trường sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn năm nay rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.

Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17.500 tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10.500 tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5.900 tỷ đồng.