Tuy Tập đoàn Điện lực (EVN) báo lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 nhưng một số công ty con của tập đoàn này lại báo lãi 2.500 – 3.700 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng do EVN là đơn vị duy nhất được mua điện, bán điện và giá đầu ra bị Nhà nước ấn định nên dẫn đến lỗ.

tap doan EVN dien luc EVN 15163791351 scaled
Lũy kế năm 2022 đến hết quý 1/2023, Tập đoàn EVN dự báo lỗ hơn 44.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Theo đó, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn EVN là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) lần lượt báo lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 30%) và gần 3.700 tỷ đồng (gần gấp đôi kế hoạch). Trong khi đó, EVN lại báo lỗ tới hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán).

Trao đổi với báo chí chiều 26/5, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết nguyên nhân lỗ vì EVN là đơn vị duy nhất (độc quyền) mua điện và bán điện cho người dân ở Việt Nam. Đồng thời, giá bán ra bị Nhà nước ấn định nên dẫn đến lỗ.

Ngoài ra, ông An cho rằng khi chi phí mua điện cao vẫn phải mua, không phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh.

Tuy vậy, bà Tạ Thị Yên – Phó trưởng ban công tác đại biểu nói: “Nếu nói rằng EVN lỗ do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao công ty mẹ lỗ còn các công ty con lại lãi, đây có phải do năng lực quản lý không?”, báo Vnexpress dẫn lời.

Nhiệt điện, thủy điện đều lãi lớn, doanh thu tăng vọt năm 2022

Theo ghi nhận, trái ngược với EVN, hầu hết các công ty thủy điện, nhiệt điện đều có một năm “bội thu”, tăng trưởng cao so với năm 2021.

Có thể kể đến như Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã kết thúc năm 2022 với doanh thu thuần hơn 3.080 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty Vĩnh Sơn – Sông Hinh đạt hơn 1.260 tỷ đồng, vượt 40% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó.

Hiện Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) là công ty con của Tập đoàn EVN nắm giữ gần 31% vốn tại Vĩnh Sơn – Sông Hinh.

Một công ty khác cũng có 30% vốn của Genco 3 là Công ty CP thủy điện Thác Bà doanh thu đạt hơn 740 tỷ, tăng 44% và lợi nhuận sau thuế hơn 370 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021.

Không thuận lợi như thủy điện với lượng nước lớn đổ về trong năm qua nhưng các công ty nhiệt điện cũng báo lãi khủng. Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (Genco 2 nắm 40% vốn) đạt doanh thu thuần hơn 10.400 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021 đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng hai ngành có mức điện tiêu thụ lớn nhất hiện nay là công nghiệp và xây dựng, chiếm khoảng 54% trong cơ cấu tiêu thụ điện, nhưng lại đang được mua với giá thấp. Giờ thấp điểm 970 đồng/kWh, giá giờ cao điểm là 2.759 đồng/kWh, còn bình thường là 1.500 đồng/kWh.

Theo ông Phú, hiện giá bán điện sinh hoạt bình quân cho các hộ gia đình cao hơn giá bán cho doanh nghiệp cũng có thể dẫn tới lỗ.

Vừa qua, Tập đoàn EVN cũng tăng giá điện thêm 3% so với giá cũ, lên 1.920 đồng/kWh (chưa VAT). Theo EVN, việc tăng giá này chỉ giúp tăng thêm doanh thu 8.000 tỷ đồng nhưng chưa đủ bù vào khoản lỗ nói trên.

Trọng Minh