Năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan, dẫn theo Báo cáo Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2020 do nhóm chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Kinh tế quốc dân thực hiện, công bố hôm 31/3.

nang suat lao dong
Hai công nhân đang làm việc trên công trường, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 15/3/2021. (Ảnh minh họa: Vietanh85/Shutterstock)

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2020 tăng 5,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2019 (6,2%). Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ước đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động, tương đương khoảng 5.081 USD/lao động.

Hiện mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Theo ước tính của ILO, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Tính chung trong giai đoạn 2011 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn Trung Quốc là 7% và Ấn Độ là 6%.

Điểm sáng là tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp TFP của Việt Nam hiện nay tương đối cao trong khu vực. Trong năm 2019, tốc độ tăng TFP của Việt Nam là 3,6%, cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Hiện tại theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, trong 380 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Hiện tỷ lệ thiếu việc làm của Việt Nam là 2,51% (tăng 1,01 điểm phần trăm so với tỷ lệ 1,5% của năm 2019), ở mức cao nhất trong 5 năm qua, theo số liệu của Cục việc làm (Bộ LĐ-TB-XH).

Theo PGS.TS Tô Trung Thành – đồng chủ biên báo cáo, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.

“Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế” – ông Thành cảnh báo.

Ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay dịch COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới khi 46% hộ gia đình cho biết thu nhập tháng 12/2020 thấp hơn so với 1 năm trước đó, trong khi các chương trình hỗ trợ hiện mới chỉ tập trung vào nhóm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nhóm đặc biệt; chưa đến 1% đối tượng được nhận hỗ trợ trong gói hỗ trợ của tháng 4/2020…

Thực tế này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn. Một số chính sách được khuyến nghị như  mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế TNDN hay thuế/phí đối với hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, giảm mức thu các loại phí, lệ phí một cách tập trung, đúng đối tượng theo từng ngành, nhóm doanh nghiệp và người dân.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Đánh giá lại quy mô GDP, sao không tìm giải pháp nâng năng suất lao động?