Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Hai: “Chúng tôi có hơn 40.000 quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO, hầu hết trong số họ ở phía đông của liên minh và nhiều trong số họ ở khu vực Baltic.” “Mục đích của việc tăng cường hiện diện này là để gửi một thông điệp rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng tấc lãnh thổ của các nước đồng minh, bao gồm cả Lithuania (Litva) và các nước Baltic khác.”

Embed from Getty Images

Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Lithuania khi nước này cấm vận chuyển một số mặt hàng qua các tuyến đường sắt của Lithuania đến Kaliningrad – một thành phố của Nga. 

Hạn chế nói trên được áp đặt dưới sự bảo trợ của các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu. Sau đó, Lithuania đã gặp phải hàng loạt các cuộc tấn công mạng và các chương trình truyền thông nhà nước Nga cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể khơi mào cuộc chiến tranh chinh phạt chống lại Litva.

Nhà lập pháp Nga và cũng là cựu tướng lĩnh quân đội Andrey Gurulyov đã cho biết vào cuối tuần qua trên một phương tiện truyền thông nhà nước: “Vâng, việc ‘thuần hóa’ Lithuania đang được xem xét.”

Ông Gurulyov khẳng định rằng sự kết hợp giữa các biện pháp năng lượng và khả năng quân sự của Nga sẽ cho phép Moscow giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại NATO.

“Châu Âu sẽ không chỉ đóng băng mà còn hoàn toàn bị tiêu diệt. Thật là điên rồ nếu tuyên bố rằng họ là bất khả chiến bại,” ông nói.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết ông “tự tin rằng Tổng thống Putin hiểu hậu quả của việc tấn công một quốc gia đồng minh NATO,” đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường thêm sự hiện diện quân sự của đồng minh trong khu vực.

“Bằng cách gửi thông điệp đó một cách rõ ràng, chúng tôi thực sự đang ngăn chặn một cuộc tấn công,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên hôm thứ Hai. “Chúng tôi lo ngại về việc tăng cường quân sự ở Kaliningrad. Chúng ta đã thấy điều đó trong nhiều năm với các hệ thống vũ khí tối tân. Đó cũng là một phần lý do tại sao chúng tôi đã hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, khả năng của mình và cũng như tăng cường sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực đó”.

Các đồng minh đã đồng ý “tăng số lượng lực lượng sẵn sàng cao của chúng tôi lên hơn 300.000 người”, ông Stoltenberg tuyên bố, đồng thời bố trí các hệ thống phòng không và các thiết bị khác trong khu vực để sẵn sàng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng đột ngột.

Ông nói: “Cùng với nhau, điều này tạo thành cuộc đại tu lớn nhất về khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của chúng ta kể từ sau Chiến tranh Lạnh.”

Ngân Hà