Tính đến nay, Việt Nam đã tháo gỡ gần như tất cả các biện pháp phòng dịch COVID-19 để thu hút khách nước ngoài. Tuy vậy, mảng du lịch quốc tế sẽ rất khó phục hồi nếu Việt Nam ngồi chờ các đoàn khách thị trường cũ quay trở lại.

khach du lich quoc te bang thong ke khach du lich quoc te 2019 visa du lich
Để thu hút khách quốc tế, Việt Nam cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực và làm nguồn khách đa dạng hơn thay vì chờ đợi các thị trường quen thuộc mở cửa. (Ảnh chụp màn hình: tourism.gov.vn)

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ đón được khoảng 192.400 khách quốc tế, đạt chưa đến 1% mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022 mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề ra hôm 15/3 (thời điểm Việt Nam thông báo mở cửa hoàn toàn du lịch).

Báo cáo thường niên năm 2019 của Tổng cục Du lịch cho biết Top 10 thị trường khách quốc tế của Việt Nam bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Nga, Thái Lan, Úc, Anh và Singapore.

Ở thời điểm hiện nay, những thị trường này dường như không thể cung cấp nguồn khách chủ đạo cho Việt Nam với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như Trung Quốc vẫn còn áp đặt chính sách Zero-COVID gây nhiều tranh cãi, không mở cửa cho du lịch.

Hàn Quốc dự kiến không cách ly khách quốc tế đi về từ Việt Nam từ ngày 1/6. Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa cho biết thời gian cụ thể mở cửa lại hoạt động du lịch bình thường.

Còn Nga thì đang chịu đựng các biện pháp trừng phạt kinh tế, Chính phủ nước này cũng khuyến khích hạn chế bay ra nước ngoài và người dân Nga hạn chế chi tiêu.

Như vậy, trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam (gần 15,5 triệu lượt khách), hiện có đến 5 quốc gia đang chưa thể khai thác trở lại du lịch quốc tế bình thường (chiếm hơn 12,6 triệu lượt khách). Tổng lượng khách ước tính bị mất từ 5 thị trường trên là hơn 80%.

Theo báo Tiền Phong, Ông Phạm Hà – Giám đốc Công ty Lux Group cho biết từ ngày 15/3 đến nay, công ty đã phải hủy 10 đoàn khách quốc tế với cùng một nguyên nhân là khó xin thị thực (visa du lịch).

Ông Hà nói: “Khách đành phải hủy chuyến đi do không lấy được visa. Ngoài 13 thị trường quốc tế được miễn visa, nhiều khách ở các thị trường khác khó khăn khi xin cấp visa”.

Việt Nam đang miễn visa cho 13 nước bao gồm: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Belarus.

Sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), các chuyên gia du lịch nhận thấy sự chuyển dịch đáng lưu tâm của cả xu hướng du lịch lẫn thị trường khách. Ông Phạm Hà cho rằng sau đại dịch nhiều thị trường mới từ châu Mỹ, Đông Âu có nhu cầu du lịch Việt Nam nhưng lại vướng thủ tục. “Nhiều khách Úc, New Zealand không lấy được visa. Khách đến từ Sri Lanka cũng không lấy được visa điện tử”, ông Hà cho biết.

Thủ tục visa gây khó khăn cho du khách, nhiều khi khách chờ visa điện tử tới 12 ngày cũng chưa chắc được nhận. “Thực tế du lịch mở cửa nhưng chính sách visa còn chưa cởi mở nên khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thưa vắng”, ông Hà phân tích.

Ông Cao trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phản ánh xu hướng khách lẻ đi du lịch nhiều lên sau đại dịch thay vì các đoàn đông người. Tuy nhiên họ lại gặp khó khi làm thủ tục visa do liên quan tới quy định về bảo lãnh. Khách quốc tế làm thủ tục visa điện tử phải chờ đợi lâu ngày không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển trong khu vực.

“Việt Nam phải có chính sách phù hợp với xu hướng đó, làm sao để bắt được luồng khách lẻ này tránh để họ gặp khó khăn lại chọn du lịch nước khác”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.

Trong số các kiến nghị nhằm thu hút khách quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch đưa vấn đề thị thực lên ưu tiên hàng đầu cần được cải thiện: Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan…; Áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn (30 ngày); Thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục.

Đức Minh