Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển. Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung bị ảnh hưởng.

shutterstock 411885400
Giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 24/2 do thế giới lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Nga tấn công Ukraine (Ảnh minh họa: Bluebay/Shutterstock)

Giá dầu Brent tăng vọt vào ngày 24/2, lên gần 105 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2014. Nguyên nhân là do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu sau khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine nghiêm trọng hơn.

Hoa Kỳ và châu Âu đã cam kết sẽ có các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga để đáp trả lại hành động xâm lược vào Ukraine.

“Nếu các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến các giao dịch thanh toán, các ngân hàng Nga và có thể cả các gói bảo hiểm việc giao dầu và khí đốt của Nga, không thể loại trừ việc ngừng cung cấp khí đốt”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết.

Ít nhất ba khách hàng lớn mua dầu của Nga đã không thể mở thư tín dụng từ các ngân hàng của phương Tây để trang trải các giao dịch mua vào thứ Năm, các nguồn tin nói với Reuters.

Giá dầu thô Brent tăng 7,26 USD, tương đương 7,5%, lên mức 104,10 USD/thùng vào lúc 14 giờ 37 phút (giờ Việt Nam) ngày 24/2. Có lúc giao dịch đã chạm mức giá 105,79 USD/ thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Hoa Kỳ tăng 6,63 USD, tương đương 7,2%, lên 98,73 USD/thùng.

Dầu Brent và WTI lần lượt đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 8 và tháng 7/2014.

“Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Với hàng tồn kho thấp và công suất sản xuất thu nhỏ, thị trường dầu mỏ không thể chịu được sự gián đoạn nguồn cung lớn này”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của công ty UBS cho biết.

“Những lo ngại về nguồn cung cũng có thể thúc đẩy hoạt động dự trữ dầu, đẩy giá dầu tăng lên”, Giovanni Staunovo nói.

Theo thống kê, Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp khoảng 35% trong tổng nguồn cung.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh và các đồng minh sẽ tung ra một gói trừng phạt kinh tế khổng lồ đối với Nga và phương Tây phải chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Trung Quốc cảnh báo về tác động của căng thẳng đối với sự ổn định của thị trường năng lượng.

“Tất cả các quốc gia thực sự chịu trách nhiệm nên có những hành động thể hiện điều đó để cùng duy trì an ninh năng lượng toàn cầu”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

“Sự mất ổn định đang ngày càng tăng trong thời điểm thị trường dầu mỏ căng thẳng và dễ bị tổn thương. Do đó, giá có thể vẫn biến động và tăng cao”, Warren Patterson, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Tập đoàn ING cho biết.

Các nhà phân tích cho biết giá dầu Brent có thể sẽ duy trì trên 100 USD/thùng cho đến khi nguồn cung thay thế đáng kể sẵn sàng từ phía Hoa Kỳ hoặc Iran.

Hoa Kỳ và Iran đã tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp ở Vienna (Áo) có thể dẫn đến việc loại bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu của Iran.

Quan chức an ninh hàng đầu của Iran Ali Shamkhani cho biết có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân tốt với các cường quốc phương Tây sau những tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán.

Các nhà phân tích đang cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu từ mức giá dầu 100 USD/thùng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi nhu cầu nhập khẩu năng lượng chiếm đa số.

“Gót chân Achilles của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu năng lượng khổng lồ, với giá dầu tăng mạnh chắc chắn sẽ giảm mạnh thu nhập và tăng trưởng trong năm tới”, nhà kinh tế Frederic Neumann của Ngân hàng HSBC cho biết.