Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của Ấn Độ.

Embed from Getty Images

Reuters dẫn theo dữ liệu công nghiệp mới nhất cho biết, Iraq vẫn là nước cung cấp dàu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ. Trong khi, Nga thế chỗ Ả Rập Saudi trở thành đối tác cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của quốc gia Nam Á.

Các công ty lọc dầu Ấn Độ trong tháng Năm đã nhập khoảng 819.000 thùng/ngày của Nga, tăng từ khoảng 277.000 thùng/ngày hồi tháng Tư. Tổng cộng trong tháng Năm, Ấn Độ nhập khoảng 25 triệu thùng dầu mỏ từ Nga, chiếm khoảng 16% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu này của New Delhi.

Trong tháng Tư, dầu mỏ nhập từ Nga mới chiếm 5% tổng sản lượng nhập khẩu dầu mỏ bằng đường biển của Ấn Độ. Trước đó, trong suốt năm 2021 và Quý I/2022, lượng dầu mỏ nhập từ Nga chỉ chiếm 1% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu này của Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Hơn 85% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại Ấn Độ là phải nhập khẩu.

Tổng quan, sản lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng Năm đạt 4,98 triệu thùng/ngày, tăng 5,6% so với tháng Tư và tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ tăng mua dầu mỏ của Nga vào thời điểm các quốc gia phương Tây tẩy chay và chế tài kinh tế Moscow vì nước này phát động chiến tranh xâm lược Ukraine từ cuối tháng Hai.

Mỹ và Anh Quốc đã ra lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, trong khi Liên minh châu Âu cũng đang bàn thảo để đưa ra chế tài tương tự.

Phản ứng với áp lực từ phương Tây, Nga đã mời chào bán dầu mỏ với chiết khấu cao cho các bên mua mà họ coi là “các quốc gia thân thiện”. Ấn Độ và Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường mua dầu mỏ giá rẻ từ Nga.

Bất chấp phương Tây kêu gọi cắt đứt quan hệ với Nga, Ấn Độ tuyên bố rằng họ cần thêm nguồn cung dầu mỏ nhằm không để giá nhiên liệu trong nước tăng cao. New Delhi cũng lập luận rằng, dầu mỏ nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu dầu mỏ của quốc gia Nam Á này.

Hiện nay, phía Nga chiết khấu cho các công ty lọc dầu Ấn Độ khoảng 30 USD/ thùng dầu. Trước đó, Ấn Độ thường ít nhập dầu mỏ của Nga bởi vì giá thành cao hơn các nguồn cung khác.

Hải Đăng