Chính phủ Việt Nam vừa đề xuất tăng thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank bằng nguồn ngân sách nhà nước. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay Agribank hiện đang rất “khát” vốn.

chu tich ngan hang agribank
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết hiện ngân hàng đang rất “khát” vốn. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại phiên họp sáng hôm 13/5, Chính phủ đề xuất bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ của Ngân hàng Agribank (100% sở hữu Nhà nước) bằng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 (hơn 6.750 tỷ đồng), phần còn lại từ nguồn ngân sách nhà nước (gần 10.350 tỷ đồng) theo quy định.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank – ông Phạm Đức Ấn cho biết hiện ngân hàng này đang rất khát vốn.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, quy mô vốn điều lệ của Agribank thấp nhất trong 4 ngân hàng Nhà nước (Vietinbank, Vietcombank, BIDV) và nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Lãnh đạo ngân hàng cho hay việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định.

Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ mức vốn tự có là gần 46.800 tỷ đồng.

Phản hồi về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội – ông Vương Đình Huệ đề nghị giải trình vì sao chậm gửi tờ trình và một số nội dung còn chưa rõ.

Ông Huệ cũng đặt vấn đề về đề xuất Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tổng mức vốn bổ sung cho Agribank hay chỉ quyết định phần vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank hiện hồ sơ tài liệu chuẩn bị còn thiếu Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị ngân hàng này cần xem xét và bổ sung cho đầy đủ.

Năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 22.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17.680 tỷ đồng.

Tổng lượng tiền gửi huy động của khách hàng đạt 1,627 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2021. Trong khi cho vay khách hàng đạt 1,443 triệu tỷ đồng, tăng trưởng cho vay đạt 9,8%.

Phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề, 25% dư nợ cho vay thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; 31% dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; 20% dư nợ cho vay trong lĩnh vực hộ gia đình.

Trong khi đó, tín dụng cho vay đối với lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản lần lượt đạt 5,74% và 1,21%.

Tại thời điểm 31/12/2022, ngân hàng còn khoản lãi cho vay chưa thu được là gần 17.180 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí hoạt động tăng vọt 27% lên mức 27.554 tỷ đồng. Trong đó, tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý, công vụ tăng 10% lên mức gần 24.350 tỷ đồng.

Riêng chi phí cho nhân viên của ngân hàng trong năm 2022 là gần 15.800 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, phần chi lương và phụ cấp (cũng là khoản thu nhập thực lĩnh của CBNV) là 13.845 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Đức Minh