Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc hậu thuẫn hôm thứ Năm (3/3) cho biết họ đã đình chỉ các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus cho đến khi được xem xét thêm trong bối cảnh phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt đối với hai quốc gia này.

Embed from Getty Images

“Chúng tôi, ban lãnh đạo sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ tính toàn vẹn tài chính của AIIB”, ngân hàng cho biết. “Trong trường hợp này, và vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng, ban lãnh đạo đã quyết định rằng tất cả các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus đang được tạm dừng để xem xét.”

Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của AIIB, nắm giữ 30% và có thể phủ quyết các quyết định tại ngân hàng phát triển này. Bắc Kinh trước đó đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga do Mỹ, Liên minh châu Âu và các chính phủ khác áp đặt.

AIIB có thể đang đánh giá lại các hoạt động của mình ở Nga và Belarus vì lo ngại rằng các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn việc thanh toán nợ và các hoạt động khác ở đó, theo tờ Nikkei.

Ngân hàng cho đến nay đã chấp thuận các khoản đầu tư và cho vay trị giá 800 triệu đô la cho Nga, với 300 triệu đô la khác đang chờ bật đèn xanh. 

“AIIB sẵn sàng mở rộng tài trợ một cách linh hoạt và nhanh chóng và hỗ trợ các thành viên bị ảnh hưởng bất lợi bởi chiến tranh, trực tiếp hoặc gián tiếp”, tổ chức này cũng cho biết. Ngân hàng có thể sẽ xem xét cung cấp thêm thanh khoản trong các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá hàng hóa tăng cao và sự bất ổn trên thị trường tài chính.

AIIB có 105 thành viên. Nga tham gia vào tháng 12 năm 2015 với 6,7% cổ phần và Belarus vào tháng 1 năm 2019.

Với việc Nga đang đối mặt với sự cô lập khỏi hệ thống đa phương, phản ứng của Trung Quốc đang được thế giới theo dõi sát sao.

Reuters đưa tin hôm thứ Năm rằng một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã nhận thấy “lượng yêu cầu tăng vọt từ các công ty Nga muốn mở tài khoản mới”.

Một số ngân hàng Nga đã bị loại bỏ khỏi SWIFT, công cụ hỗ trợ cho các giao dịch thanh toán toàn cầu.

Trong khi đó, nhóm G7 đã chuyển sang trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga, cắt nó khỏi khoảng một nửa dự trữ ngoại hối, vốn được giữ trong các tổ chức tài chính G7.

Đáp lại, Moscow đã tăng lãi suất, tạm thời đóng cửa thị trường chứng khoán và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt.

Liên minh châu Âu cho biết họ đang xem xét “khả năng loại bỏ đối xử [tối huệ quốc] đối với Nga trên cơ sở ngoại lệ về an ninh quốc gia của WTO”.

Thanh Thủy