Trong 2 tháng gần đây, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng ở hầu hết các tổ chức tín dụng. Đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, mức lãi suất khác biệt giữa các ngân hàng chênh lệch bình quân khoảng 1,5-2% tùy kỳ hạn và hình thức gửi.

lãi suất tiền gửi tăng ngân hàng chạy dua lãi suất tiền gửi scb.com .vn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nâng lãi suất tiền gửi ở mức 7,3% kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. (Ảnh chụp màn hình: scb.com.vn)

Theo ghi nhận, đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, các ngân hàng như: SCB, BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank,… đồng loạt niêm yết mức lãi suất trên 7,0%.

Tuy vậy, nhóm các ngân hàng nhà nước như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… vẫn duy trì lãi suất dao động từ 5-6%/năm. Thấp hơn trung bình 1,5-2% so với nhóm các ngân hàng nêu trên, tùy kỳ hạn và hình thức gửi (trực tuyến hay tại quầy).

Theo báo Lao Động, ở kỳ hạn 3 tháng, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng huy động là khoảng 0,7%. Đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết mức lãi suất huy động từ 3,3% – 4%.

Ở kỳ hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, chênh lệch có lúc tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn này dao động từ 4% – 6,85%. Ngân hàng SCB niêm yết ở mức 6,85% (hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến); ngân hàng CBBank huy động ở mức 6,8% (hình thức gửi tiết kiệm tại quầy). Nhóm ngân hàng huy động lãi suất thấp với mức 4% vẫn gồm: VietcomBank, VietinBank, Agribank và BIDV.

Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, sự phân hoá cạnh tranh lãi suất khá mạnh. Có tới 3 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 7%/năm gồm: SCB niêm yết 7,3% (gửi trực tuyến); NamABank huy động 7,2% và CBBank là 7,15%.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 2 quý gần đây, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, riêng quý 1 năm nay, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, báo Dân Trí đưa tin.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của người dân chảy mạnh vào kênh ngân hàng là do mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Nhiều ngân hàng chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có tới 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 1,5-2%/năm.

Bên cạnh đó, dòng tiền cá nhân chảy vào ngân hàng này cũng đến một phần từ dòng tiền bị rút ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán.

Trung Quốc rộ tin đồn hạn chế người dân rút tiền ngân hàng

Hôm 20/6, một đoạn video quay cảnh một khách hàng rút tiền tại quầy của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã được lan truyền trên mạng tiếng Hoa. Theo nội dung trong video, người này được nhân viên ngân hàng cho biết, hạn mức rút tiền/ngày của anh chỉ được 1000 nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu đồng).

Theo Đài Á Châu Tự Do đưa tin, sau khi video về việc ngân hàng hạn chế hạn mức rút tiền được lan truyền trên internet, một số cư dân mạng cho rằng Ngân hàng Bắc Kinh cũng giới hạn chỉ được chuyển khoản 5.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Trước sự việc này, một số cư dân mạng cho rằng: “Đợt suy thoái lần này có thể tưởng tượng được”, “việc cắt rau hẹ đã lên một tầm cao mới”.

Trước đó, bắt đầu từ tháng Tư, 4 ngân hàng tại tỉnh Hà Nam gồm Ngân hàng Thôn trấn Tân Dân Sinh ở Vũ Châu, Ngân hàng Thôn trấn Huệ Dân ở Thượng Thái, Ngân hàng Thôn trấn Hoàng Hoài ở Chá Thành, Ngân hàng Thôn trấn Tân Đông Phương, đã ngừng chức năng rút tiền và chuyển khoản trực tuyến gần như cùng lúc mà không có cảnh báo trước, gây ra một sự hoảng loạn trên diện rộng cho khách hàng gửi tiền

Vào ngày 17/6, một video trên YouTube cho thấy “nhiều ngân hàng ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh không rút được tiền”. Trong video, có thể thấy rất đông người gửi tiền xếp hàng dài bên ngoài ngân hàng Đan Đông chờ để rút tiền. Một người đàn ông nói: “Tôi đã đến Ngân hàng Thương mại Nông thôn, nhưng Ngân hàng không có tiền; Đến Ngân hàng Đan Đông, cũng có rất nhiều người, không biết cuối cùng họ có rút được tiền hay không.”

Điều này đã dẫn đến các cuộc phản đối của khách hàng gửi tiền ở nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc, chính quyền địa phương thậm chí đã sử dụng các biện pháp chống dịch để thay đổi mã sức khỏe của người gửi tiền thành màu đỏ, ngăn cản họ ra ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tiến Minh