Trước thực trạng bất động sản (BĐS) tăng giá “vũ bão” và khả năng mua nhà của người lao động tại các thành phố gần như không còn, mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay dự kiến sẽ dành 120.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy vậy, điều này không chắc sẽ khiến kéo giảm giá nhà đất trên thị trường.

nha o xa hoi nha o cong nhan bat dong san chung cu xa hoi
Công trình nhà ở xã hội ở phường Nại Hiên Đông, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng bị xuống cấp nghiêm trọng sau vài năm đưa vào sử dụng. (Ảnh: danang.gov.vn)

Tại buổi làm việc trực tuyến hôm 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hồng cho biết 4 ngân hàng thương mại (thuộc sở hữu nhà nước) sẽ dành 120.000 tỷ đồng với lãi suất vay thấp hơn mặt bằng từ 1,5 – 2% để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Cũng tại buổi họp này, các nội dung tập trung chủ yếu vào 2 nút thắt lớn của thị trường hiện nay gồm vốn và vướng mắc pháp lý.

Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp BĐS mong chờ sau gần 1 năm thị trường ảm đạm, nhiều đơn vị kinh doanh phải phá sản, người lao động bị sa thải, giảm lương hàng loạt.

Theo bà Hồng, gói tín dụng nói trên có thể nhiều hơn nếu có thêm các ngân hàng thương mại khác tham gia và Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn nếu thiếu hụt thanh khoản.

Gói tín dụng được bà Hồng cho biết sáng 17/2 có quy mô lớn hơn 10.000 tỷ đồng so với đề xuất của Bộ Xây dựng.

Trước đó, nói về đề xuất của Bộ Xây dựng, bà Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là cần thiết, giúp đồng thời tăng cung và giảm mất cân đối trên thị trường.

Tính chung cho toàn ngành, Thống đốc cho biết ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tìm cách để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Theo thống kê trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng, số dự án nhà ở thương mại đang triển khai tại thành phố này là 124, với quy mô 58.141 căn; số dự án hình thành trong tương lai, đã đủ điều kiện bán trong năm qua là 21 dự án, với 10.780 căn.

Trong khi đó, số dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại TP.HCM chỉ có 5 dự án với 3.367 căn, bằng 1/17 lần so với nhà ở thương mại; không có dự án nhà ở xã hội nào hình thành trong tương lai, đủ điều kiện bán trong năm 2022, số căn nhà ở xã hội bằng 0. Dự án nhà ở công nhân cũng không có.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản ở TP.HCM mất cân đối và không đảm bảo an sinh xã hội. Theo nhu cầu thực tế, thường tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng thời gian qua, tỷ lệ căn hộ bình dân không có trên thị trường, chiếm tỷ lệ 0%; phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 26% lên 30% và phân khúc căn hộ cao cấp giảm từ 74% xuống 70%, nhưng vẫn ở mức cao.

“Theo công thức chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thời điểm 4 năm trước, người dân Việt Nam cần 35 năm để mua được một căn hộ. Hiện tại, con số này ở mức 57 năm. Tại Trung Quốc, người dân cần 34 năm”. TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tạp chí Nhịp sống Kinh tế dẫn lời.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM lưu ý việc đánh giá dự án cho vay cần xem xét kỹ và chỉ nên hỗ trợ các dự án thật, dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu chính đáng được sở hữu nhà của người dân. Nên hạn chế, kiểm soát chặt các phân khúc bất động sản cao cấp hay đầu cơ, dành vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Đức Minh