Trong thời gian còn lại của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết sẽ tăng thêm “room” tín dụng cho hệ thống ngân hàng thêm 1,5% – 2% so với mục tiêu đầu năm là 14%.

sbv ngan hang nha nuoc dieu chinh lai suat ty gia ngan hang nha nuoc ngoai te
NHNN sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 – 2%, ước tính thêm khoảng 156.000 – 200.000 tỷ đồng vốn vào nền kinh tế. (Ảnh: sbv.gov.vn)

Cụ thể, theo cơ quan này, việc nới room sẽ diễn ra theo hướng ngân hàng nào có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

NHNN cho biết tình hình tác động từ các yếu tố bên ngoài đã ít đi và thanh khoản của hệ thống cải thiện hơn.

Thống đốc NHNN – bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, v.v…

Thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt. Việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều nhà băng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân, theo báo Vnexpress.

Theo số liệu từ NHNN, quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính tới tháng 9 đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm ngoái. Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5 – 2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 – 200.000 tỷ đồng.

Cuộc đua lãi suất căng thẳng

Vừa qua, lãi suất tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng từ hôm 28/11. Theo đó, ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã đẩy lãi suất tiền gửi lên đến 10,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, lãnh lãi cuối kỳ.

Saigonbank niêm yết lãi suất tiền gửi lên thuộc diện cao nhất trong hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện tại, 10,5% cho kỳ hạn 13 tháng, lãnh lãi cuối kỳ. Còn các kỳ hạn như: 12, 18, 14 và 36 tháng, lãi suất huy động ở mức 10%.

Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn luôn duy trì mức lãi suất cao, hiện đã đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng từ ngày 28/11. Còn nếu gửi từ 6 tháng, lãi suất đã lên mức 9,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đưa lãi suất huy động online cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại MSB lên mức 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng.

Còn ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) niêm yết lãi suất tiền gửi lên cao nhất 9,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng, với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên. Với các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng, lãi suất huy động cũng đồng loạt lên mức 9%/năm.

Hơn chục ngân hàng trên thị trường đang trả lãi suất trên 9% một năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng như: Kienlongbank, GPBank, BaoVietBank, PGBank, OCB, VPBank, VietBank, Sacombank, SeABank… Tại nhóm ngân hàng nhà nước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng xấp xỉ mức 8%/năm.

So với đầu tháng 11, lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân cũng tăng khá nhanh, áp lực lên người đi vay hiện lên mức 14 – 15%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm.

Đức Minh